Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có hiệu lực thi hành và đi vào thực tiễn đời sống 3 năm qua, góp phần thể chế hóa Hiến pháp 2013 về tổ chức hợp lý, hiệu quả và tăng cường năng lực hoạt động của các cấp chính quyền địa phương. Tuy vậy, trong quá trình thực thi không tránh khỏi những bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phân cấp, ủy quyền chưa được quy định rõ
Luật đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống cấp huyện đến cấp xã để tránh tình trạng dồn việc về cấp cơ sở mà không tính đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn tập trung thực hiện quản lý theo lãnh thổ; ở địa phương đô thị chú trọng thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực.
Luật quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương phải thực hiện như tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; quyết định những vấn đề của địa phương trong phạm vi được phân quyền, phân cấp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền...
Tuy nhiên, một số quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền chưa được quy định rõ, nhất là chủ thể thực hiện ủy quyền gây khó khăn trong việc áp dụng và hạn chế hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Luật chưa có quy định để tạo cơ sở cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn không được phân cấp, ủy quyền nhằm tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có hiệu lực thi hành và đi vào thực tiễn đời sống 3 năm qua, góp phần tăng cường năng lực hoạt động của các cấp chính quyền địa phương.
Nhiều quy định chưa phù hợp
Việc tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện chưa phù hợp với tình hình tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương; việc quy định số lượng Phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách đã làm tăng biên chế của chính quyền địa phương trong bối cảnh cả nước thực hiện nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế.
Việc không thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã là chưa phù hợp với thực tế hoạt động của HĐND cấp xã, nhất là trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát và hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cấp xã tại các thôn, tổ dân phố theo từng đơn vị bầu cử đại biểu HĐND trên địa bàn cấp xã.
Luật không quy định thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã là chưa phù hợp. Trong khi thực tế cho thấy, UBND cấp xã vẫn phải đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trên địa bàn trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch của cấp trên và nghị quyết của cấp ủy Đảng cùng cấp.
Quy định của Luật về cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã ở hải đảo như các đơn vị hành chính trong đất liền là chưa phù hợp với các đặc thù, đặc điểm khác biệt của các đơn vị hành chính ở hải đảo.
Chưa quy định rõ mối quan hệ giữa HĐND cấp trên và HĐND cấp dưới
Quy định chưa rõ thủ tục, trình tự bầu thành viên UBND, dẫn đến việc các địa phương tổ chức thực thi thiếu thống nhất, điển hình: theo quy định tại Khoản 1, các Điều 20, 27, 41, 48, 55 và Điều 123 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương gồm các ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an. Hiện nay, thủ tục, trình tự tiến hành bầu cử ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện nhiều nơi do chủ tịch UBND ban hành quyết định bổ nhiệm người đứng đầu các cơ quan chuyên môn trước, sau đó mới làm thủ tục trình HĐND tại phiên họp gần nhất để bầu làm ủy viên UBND.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng không quy định việc ủy quyền của HĐND cho thường trực HĐND giữa 2 kỳ họp để thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND. Thực tế, trong quá trình chỉ đạo, điều hành của UBND có nhiều vấn đề phát sinh, cần xin ý kiến của HĐND để giải quyết kịp thời, cần được bổ sung trong Luật (HĐND chỉ họp 2 kỳ một năm nên việc giải quyết không kịp thời).
Luật không có quy định về phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của chủ tịch HĐND nhưng lại có quy định về phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của chủ tịch UBND (Điều 121). Trên thực tế, HĐND và UBND là hai yếu tố hợp thành chính quyền địa phương nên cần có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu 2 cơ quan này.
Luật chưa quy định rõ mối quan hệ giữa HĐND cấp trên và HĐND cấp dưới (Thường trực HĐND cấp tỉnh với cấp huyện, thường trực HĐND cấp huyện với cấp xã) nhất là trách nhiệm của thường trực HĐND cấp trên với thường trực HĐND cấp dưới trong phối hợp tổ chức và hướng dẫn hoạt động, vì trên thực tế mối quan hệ này được thể hiện rất rõ như việc định hướng, hướng dẫn hoạt động, giải quyết các vấn đề vượt quá thẩm quyền của HĐND cấp dưới, phối hợp giám sát việc thực hiện các nghị quyết HĐND đã ban hành; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm hoạt động nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động…
Những hạn chế của Luật Tổ chức Chính phủ
Đối với Luật Tổ chức Chính phủ, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết sau hơn 3 năm thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Chính phủ đã tập trung quản lý, điều hành vĩ mô trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội; từng bước xóa bỏ cơ chế chủ quan của các bộ đối với doanh nghiệp, tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công… Tuy nhiên, đã phát sinh những hạn chế cần sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa quy định, đảm bảo tính đồng bộ của việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong bộ máy nhà nước nói chung và Chính phủ nói riêng:
Việc giao Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện làm giảm tính chủ động của địa phương trong việc tổ chức và thành lập các cơ quan chuyên môn phù hợp với điều kiện, đặc điểm đặc thù ở mỗi địa phương.
Việc giao Chính phủ có thẩm quyền quyết định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước hạn chế tính chủ động và chưa đề cao được trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ (thực tế hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang quyết định giao và điều chỉnh biên chế công chức).
Vấn đề quy định thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc bổ nhiệm, biệt phái, điều động, luân chuyển, kỷ luật, cho từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức chưa phù hợp với một số các quy định của Đảng và của pháp luật về cán bộ, công chức hiện nay.
Thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành vẫn còn bị hạn chế trong việc quyết định thí điểm thành lập các tổ chức thuộc cơ cấu bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ cấu bên trong của UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND, đơn vị sự nghiệp công lập, làm cơ sở để thử nghiệm các mô hình quản lý mới, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.
Bình luận (0)