Cơ quan tôi vừa bổ nhiệm một phó phòng nghiệp vụ khoảng 28 tuổi. Sau khi bổ nhiệm anh này, có 2 luồng ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng cán bộ còn trẻ quá, chưa qua thử thách, nói sợ không ai nghe... Ý kiến thứ hai ủng hộ vì người được bổ nhiệm xứng đáng, có năng lực công tác. Qua thực tế công tác, khi được bổ nhiệm, cán bộ ấy làm việc rất năng động, hiệu quả, trách nhiệm và được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng của cơ quan...
Do đó, theo tôi, việc bổ nhiệm cán bộ già hay trẻ không quan trọng. Bởi lẽ, mục đích hướng đến là khi bổ nhiệm, người đó phải làm được việc, phát huy sở trường công tác, tiếp tục cống hiến cho cơ quan, có tư cách đại diện khi giải quyết công việc của đơn vị...
Trong một bộ phận cơ quan hành chính, việc bổ nhiệm cán bộ vẫn còn kiểu tư duy thương - ghét, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí, sử dụng cán bộ, đồng thời gây khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, rộng ra là tạo sức ì của cơ quan hành chính. Mặt khác, việc bổ nhiệm cán bộ vẫn còn tình trạng cục bộ địa phương, tiêu cực khi chạy chức, chạy quyền. Những tư duy hay hành vi tiêu cực trong việc bổ nhiệm cán bộ như vậy ảnh hưởng rất lớn đến hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Đồng thời, không tạo nên sự công bằng, ý chí phấn đấu làm việc, học tập, rèn luyện... trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Bình luận (0)