Một ngày đầu năm, chúng tôi về thăm lại 2 chú voi rừng gặp nạn được đưa về nuôi dưỡng tại khu rừng khộp nằm trong Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Dưới cái nắng hanh khô của rừng khộp mùa thay lá, 2 chú voi con vẫn chơi đùa, vật lộn với nhau trong bể nước.
Chăm voi như chăm trẻ
"Đỡ vất vả rồi anh à! Chúng lớn nhanh lắm" – anh Cao Xuân Ninh (cán bộ Phòng Voi nhà thuộc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk) nói về 2 chú voi con có tên là Jun và Gold đang được nuôi dưỡng tại đây. Anh Ninh chính là người đã trải qua nhiều khó khăn để chăm bẵm 2 chú voi này từ khi ở rừng về với con người.
Jun và Gold đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk
Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tổng hợp, 4 năm trước anh Ninh được nhận vào trung tâm với công việc làm kế toán. Lúc đó, trung tâm ít người nên cán bộ hành chính được tăng cường cho các phòng chuyên về voi. Anh Ninh cũng "chân trong, chân ngoài" vào hỗ trợ phòng voi nhà và trở thành "bảo mẫu" của 2 chú voi. Nói như anh đó là "cái duyên", ngay cả bản thân anh cũng không ngờ tới.
Đầu tháng 5-2015, trung tâm nhận được tin báo có 1 con voi rừng (sau này được đặt tên là Jun) nặng khoảng 500 kg dính bẫy ở vòi và chân trước. Ngay sau đó, trung tâm đã thuê 2 con voi nhà lần theo dấu vết để đưa về, chữa trị. Sau nhiều ngày đêm tìm kiếm, cuối cùng cũng tìm thấy chú voi dính bẫy với chân trước bên trái dẫm phải bẫy, gần đứt lìa, chiếc vòi dùng để gỡ bẫy cũng bị thương nặng. Lúc được giải cứu, những vết thương này đã lâu ngày, hoại tử, sưng mủ, nhiễm trùng, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Anh Ninh cùng đồng nghiệp phải ăn ở trong rừng gần 1 năm để vừa chăm sóc vừa huấn luyện Jun.
Hình ảnh anh Ninh nằm đùa với chú voi Gold khi mới được đưa về trung tâm. Ảnh anh Ninh cung cấp
Chăm sóc Jun đã khổ, chăm sóc Gold còn cơ cực hơn bởi khi vừa đưa về, các chuyên gia quốc tế cho rằng khó có thể nuôi sống vì Gold còn quá nhỏ. Gold được phát hiện khi bị rơi xuống 1 giếng nước trong rừng lúc chỉ mới vài tháng tuổi, nặng chưa đầy 100 kg.
Anh Ninh nhớ lại, sau khi giải cứu khỏi giếng nước, quan điểm của trung tâm là khẩn trương chăm sóc sức khỏe cho Gold ổn định rồi thả về môi trường tự nhiên nhưng không ngờ là chú ấy không được đàn, ngay cả mẹ tiếp nhận. Lần cuối cùng, các cán bộ quyết định tiếp cận gần nhất đàn voi rừng để thả Gold. Sau ít phút đi theo mẹ, các cán bộ trung tâm rất mừng nghĩ rằng Gold đã được tiếp nhận. Tuy nhiên, linh tính mách bảo có điều gì đó không ổn nên anh Ninh và 1 đồng nghiệp quyết định ngủ lại trong rừng để theo dõi. Và rồi, rạng sáng hôm sau, anh thấy Gold chỉ cách khu vực thả khoảng 300 m, đã kiệt sức vì cả đêm không được ăn uống. Ngay lập tức, anh Ninh cùng đồng nghiệp chạy tới pha sữa, lấy nước cho Gold ăn uống. Khi chưa biết phải xử lý thế nào thì anh Ninh nhận thấy rằng, Gold muốn theo mình. Đi được 1 đoạn, do quá mệt, Gold đã nằm xuống khiến anh Ninh không cầm được nước mắt và báo về trung tâm thuê xe tới chở.
Kiệt sức, Gold nằm xuống bên chòi rẫy. Ảnh anh Ninh cung cấp
Được sự hướng dẫn của các chuyên gia động vật quốc tế, trung tâm đã lên 1 phác đồ chăm sóc Gold vô cùng tỉ mỉ. Gold được cho uống sữa bột của trẻ em đúng theo từng giai đoạn ghi trên hộp sữa. Cứ 2 giờ, cho Gold uống 1 lần nên bất kể ngày đêm luôn có 1 cán bộ trung tâm ở bên để chăm sóc. Trung bình mỗi ngày Gold uống hết từ 3-4 hộp, tiêu tốn hơn 1 triệu đồng, kéo dài gần 2 năm mới cai sữa. "Xa hơi ấm của mẹ, nhiều đêm Gold không ngủ mà khóc suốt nên chúng tôi phải thay nhau nằm ôm Gold vỗ về" – anh Ninh kể lại những ngày đầu Gold về với con người.
Mong voi… ngừng lớn!
Nhìn Jun và Gold vui đùa với ánh mắt trìu mến, bất chợt anh Ninh quay sang phía chúng tôi nói: "Chúng lớn nhanh lắm. Nhưng… mong Jun đừng lớn nữa". Thấy tôi ngỡ ngàng, anh Ninh lý giải khi Jun dính bẫy, các hình răng cưa của chiếc bẫy cùm ăn sâu vào chân khiến chân Jun gần đứt lìa và nhiễm trùng nặng. Sau hơn 4 năm điều trị, đến nay chân của Jun vẫn chưa lành hẳn, đi lại vần còn khó khăn. Jun lớn nhanh hơn nhiều so với môi trường tự nhiên nên lo ngại một ngày không xa khi Jun lớn, trọng lượng dồn về 2 chân trước, lúc đó Jun sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Mong Jun... ngừng lớn vì chân vẫn chưa lành hẵn
Ngoài lý do này, anh Ninh cũng thú thực, bản thân gắn với Jun và Gold từ nhỏ nên cảm tình mong chúng vẫn là những chú voi con, tinh nghịch, đáng yêu, dễ sai bảo hơn là khi chúng trưởng thành. "Hiện nay, hằng ngày Jun vẫn phải ngâm chân trong nước thuốc để chữa trị vết thương. Thậm chí, trung tâm cũng đã nghĩ tới phương án lắp chân giả cho Jun" – anh Ninh nói.
Hai chú voi tinh nghịch
Do môi trường sống thay đổi, hạn hẹp nên 2 chú voi cũng thường xuyên bị căng thẳng, stress nên cán bộ trung tâm phải tạo ra các trò theo hình thức kiếm ăn để giảm áp lực. Hằng ngày cán bộ trung tâm phải giấu đồ ăn vào các hốc đá, treo lên cao để voi tự vận động tìm kiếm thức ăn và thường xuyên chơi đùa với 2 chú voi để voi không còn thời gian rảnh, không còn thời gian để buồn.
Hai chú voi rừng gặp nạn về với con người
Bình luận (0)