Đừng lấy dân làm thí nghiệm
Bạn đọc Phan Thanh, thắc mắc: “Sao lại cứ lấy người dân làm thí điểm? Rắc rối của những người khi sử dụng CMND mới đã thấy rõ, việc ghi tên cha mẹ cũng không cần thiết. CMND là thông tin của mỗi cá nhân, nếu không quản lý được là do không biết cách tổ chức và quản lý. Trong hồ sơ lưu trữ của công an đã có đầy đủ thông tin của người dân thì việc gì phải in rành rành lên CMND, bất chấp những bất tiện khác”.
Trước ý kiến phản ứng của dư luận và cả Bộ Tư pháp về CMND mới nhưng Bộ Công an vẫn kiên quyết làm, bạn đọc Quang Vinh, cho biết: “Bộ Công an cho rằng việc “ghi họ tên cha mẹ lên CMND không có gì là sai”, vậy việc này sao lại bị đông đảo người dân phản đối, trong đó có cả nhiều đại biểu Quốc hội... Bộ Công an lẽ ra phải lấy ý kiến của người dân và các cơ quan liên quan trước khi thực hiện việc này để tránh thành chuyện đã rồi, sau này phải “chữa cháy”.
Bạn đọc Nguyễn Vân lý luận: “Bất kể văn bản nào, của cấp nào ban hành, nếu chưa hợp lý thì sửa, nếu sai thì ra văn bản bãi bỏ. Đây là việc bình thường, là quá trình biện chứng từ tư duy đến hành động. Ai, cấp nào, tổ chức nào cũng có cái đúng, cái sai. Đã sai mà khăng khăng không nhận ra thì không thể sửa được. Nhận thức ra được, kiên quyết sửa sai chứng tỏ bản lĩnh của mỗi người, mỗi tập thể từ thường dân đến lãnh đạo”.
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Huấn, thẳng thắn: “Quan điểm của Bộ Công an là việc ghi họ tên cha mẹ lên CMND không có gì là sai cả” - ông Vệ khẳng định. Nhưng thưa ông, mẫu CMND này không phù hợp với thực tế, bất tiện, đa số người dân phản đối... "Khó vạn lần dân liệu cũng xong" - vậy mà các cơ quan chức năng cứ bảo thủ mãi, sửa đi đế cho dân mến, dân thương, chứ đừng có khoảng cách với người dân nữa”.
Trước ý kiến của Thiếu tướng Trần Văn Vệ “mỗi phôi CMND chỉ có 3.000 đồng, bỏ 1.000 cái cũng chỉ 3 triệu”, nhiều bạn đọc cho rằng cách đánh giá vấn đề chưa ổn. Hiện nay đã thí điểm trên 21.000 người, nếu bỏ phôi thì số tiền này không nhỏ. Còn nếu tiếp tục làm đại trà thì thử hỏi mấy chục triệu dân số hiện nay phải tốn thêm bao nhiêu tiền ?
Cũng vấn đề này, trước đó Bộ Tư pháp đã nhận khuyết điểm đã “để lọt” thông tư 27 hướng dẫn quy định làm CMND mới phải đưa tên cha mẹ vào. Bạn đọc Tư Quãng, bức xúc: “Khi đưa ra ý tưởng điền tên cha mẹ vào đã bị dư luận, các nhà văn hóa, nghiên cứu phản đối kịch liệt vì vi phạm riêng tư và không đúng thông đúng thông lệ quốc tế. Thế mà cơ quan quản lý vẫn làm để rồi thấy sai phải xin lỗi ? Nó giống như cái thủy điện ở Đồng Nai vậy, sao lúc xin dự án không thấy ai thẩm định để rồi đổ tiền tỉ tỷ vào rồi bảo thế này thế nọ. Việc cái CMND và cái thủy điện kia là hiện tượng trong số hàng ngàn cái gây bức xúc cho dân...”.
Quá mệt mỏi với những quy định như thế này, một bạn đọc lấy tên Bác Bảy Về Hưu, than vãn: “Cái quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào quản lý được người dân trong nước, sàng lọc, phát hiện tội phạm, quản lý đối tượng... chứ việc ghi hay không ghi tên cha, mẹ lên CMND không cần thiết. Chúng ta làm thế nào để các ngành ngành liên quan thống nhất cao, xã hội đồng tình chứ cơ quan này nói thế này, cơ quan kia nói thế nọ, bị phản ứng thì đẩy trách nhiệm lên trên... thì sự việc không đi đến đâu cả”.
Cần quản lý nhân khẩu bằng công nghệ hiện đại
Bạn đọc Nguyễn Tấn Khoa cho rằng: CMND mẫu mới có mã vạch nên rất dể truy cập vào tàng thư lưu trữ truy tìm những thông tin liên quan. Vì vậy nên bỏ in tên cha mẹ trên CMND mới vì lý do bảo mật thông tin cá nhân. CMND mới (nếu cần phải làm mới) chỉ cần: 1. số CMND cho quản lý thủ công, mã vạch cho quản lý công nghệ thông tin; 2. ảnh; 3. họ và tên; 4. ngày tháng năm sinh; 5. nhận dạng lăn tay, không cần ghi sẹo cách.... vì có thể xoá sẹo; 6. cơ quan cấp -quản lý CMND - không ghi 2 thứ tiếng trên CMND vì quá tốn kém - đã có hộ chiếu riêng khi làm thủ tục xuất nhập cảnh. Quan trọng là mỗi địa phương cần trang bị thiết bị hiện đại nhằm truy cập hồ sơ quản lý nhân khẩu mọi lúc mọi nơi, thuận tiện dễ dàng. Có thể có thiết bị cầm tay nối mạng về trung tâm khi tuần tra thực tế. Năm 2013, dân số Việt Nam gần 90 triệu người nên khẩn cấp quản lý nhân khẩu bằng thiết bị hiện đại mới bảo đảm an toàn trật tự xã hội. |
Bình luận (0)