Sáng 11-8, nguồn tin riêng của phóng viên cho biết Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bình Định vừa có văn bản giao Thanh tra sở tiến hành thanh tra vụ việc cắt xén hàng tỉ đồng giờ thực hành lái ôtô của học viên tại Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định (viết tắt là Trung tâm; trụ sở ở TP Quy Nhơn) mà Báo Người Lao Động đã có loạt bài phản ánh.
Học viên học giấy phép lái xe hạng C tại một khóa đào tạo của Trung tâm
"Hiện chúng tôi đã thành lập tổ công tác và đến Trung tâm công bố quyết định này. Dự kiến trong một vài ngày tới, tổ công tác của Thanh tra Sở GTVT sẽ chính thức tiến hành thanh tra tại Trung tâm", ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Định, cho hay.
Trong một diễn biến khác, mới đây, nhiều giáo viên của Trung tâm đã trình bày với phóng viên Báo Người Lao Động về những bức xúc sau khi Giám đốc Trung tâm ông Chung Thành Ngà bất ngờ thay đổi cơ chế trả lương theo kiểu "cào bằng".
Cụ thể, cuối tháng 7 vừa qua, ông Chung Thành Ngà tổ chức 2 cuộc họp tại cơ sở 1 ở TP Quy Nhơn và cơ sở 2 ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) với sự tham gia của khoảng 150 viên chức, người lao động ở Trung tâm. Tại 2 cuộc họp này, ông Ngà bất ngờ thông báo sẽ thay đổi cơ chế trả lương cho giáo viên dạy thực hành lái xe. Theo đó, thay vì trả theo hệ số như lâu nay, Trung tâm sẽ trả lương cho giáo viên theo sản phẩm.
Điển hình như giáo viên dạy lớp lái xe hạng B1, B2, từ lúc học viên bắt đầu thực hành lái xe đến khi thi, giáo viên sẽ được hưởng 3.345.000 đồng/học viên. Tuy nhiên, để được hưởng hết số tiền này, hồ sơ của học viên trong lớp phải do chính giáo viên trực tiếp dạy khai thác. Nếu mỗi học viên do người khác khai thác hồ sơ thì giáo viên chỉ được nhận 2.345.000 đồng, Trung tâm sẽ thu về 1 triệu để trả cho người khai thác hồ sơ.
Không chỉ vậy, nếu học mỗi học viên thi không đạt thì giáo viên sẽ tiếp tục bị trừ thêm 500.000 đồng nữa. Ngoài khoản lương này, giáo viên sẽ không còn nhận được đồng nào tiền thưởng lễ, Tết và dạy vượt giờ như trước đây.
Học viên thực hành trên xe sát hạch tại Trung tâm trước lúc thi chính thức
"Bức xúc vì cơ chế trả lương kỳ quặc và theo kiểu cào bằng giữa những giáo viên lâu năm cũng như mới vào nghề như trên, nhiều người đã phản ứng kịch liệt tại 2 cuộc họp. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Chung Thành Ngà vẫn quyết thay đổi cơ chế trả lương như vậy. Với cách tính lương như thế này thì một người được hưởng lương thâm niên theo hệ số có số tiền khoảng 8 triệu đồng/tháng như trước đây chỉ sẽ bằng giáo viên mới vào nghề", một giáo viên có thâm niên tại Trung tâm bức xúc.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Trung tâm đã kiếm được số tiền "khủng" từ việc "cắt xén" giờ thực hành lái ôtô của học viên nhưng ngược lại, đời sống của người lao động ở nơi này ngày càng khó khăn vì thu nhập giảm.
"Khác với những năm trước, từ đầu năm đến nay, giáo viên chúng tôi không được thêm khoản thu nhập nào ngoài tiền lương được tính theo hệ số. Trong khi đó, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động đào tạo của Trung tâm trong năm nay có phần phát triển hơn những năm trước. Riêng số tiền hàng tỉ đồng có được từ việc cắt xén giờ thực hành lái ôtô của học viên ở Trung tâm, chúng tôi thật sự không biết đã đi đâu về đâu", một giáo viên của Trung tâm nói.
Ông Chung Thành Ngà (người đứng giữa) phát biểu tại hội nghị viên chức và người lao động Trung tâm năm 2022
Như đã thông tin, năm 2009, ông Chung Thành Ngà được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm. Sau đó không lâu, Trung tâm triển khai việc "cắt xén" giờ thực hành lái ôtô của học viên. Đến năm 2012, Thanh tra tỉnh Bình Định đã có kết luận trong quãng thời gian từ năm 2010 - 2012, Trung tâm cắt xén gần 4,3 triệu km thực hành lái xe của hàng ngàn học viên với số tiền lên đến gần 10,5 tỉ đồng.
Đến giai đoạn năm 2018-2019, Trung tâm tiếp tục tái diễn việc cắt xén giờ thực hành lái xe ô tô của học viên cho đến nay. Theo tìm hiểu của phóng viên, ước tính mỗi năm học viên học và nâng cấp GPLX ôtô bị Trung tâm "rút ruột" với số tiền lên đến hàng tỉ đồng từ việc cắt xén giờ thực hành lái xe.
Ngoài ra, theo một lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, việc ông Ngà giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm trong 13 năm liên tiếp (từ 2009 đến nay) là trái với quy định hiện hành. Cụ thể, Nghị định 138/2020/NĐ-CP và Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về thời hạn cho mỗi lần bổ nhiệm công chức, viên chức vào chức vụ lãnh đạo, quản lý là 5 năm. Tuy nhiên, công chức, viên chức không được giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan.
Trong khi đó, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GTVT tỉnh Bình Định. Do đó, ông Ngà là viên chức quản lý. Như vậy, việc Sở GTVT tỉnh Bình Định bổ nhiệm ông Ngà giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp với thời hạn 13 năm là trái với quy định hiện hành.
Hiện vụ việc cắt xén giờ thực hành lái ôtô của học viên tại Trung tâm đang được Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Định vào cuộc xác minh để xử lý theo quy định và Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Định tiến hành thanh tra.
Bình luận (0)