Trưa 1-5, nhân dịp nghỉ lễ, nhóm 9 học sinh đang học lớp 11 tại Trường THPT Bù Đăng rủ nhau vào nhánh sông Đồng Nai (thuộc thôn 1, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) chơi. Khi đến bờ sông, 6 em rủ nhau xuống tắm, 5 em bị nước nhấn chìm, chỉ có 1 em bơi được vào bờ, la hét kêu cứu, 4 em còn lại tử vong.
Nỗi lo học sinh đuối nước
Trước đó, ngày 26-4, một nhóm học sinh ở Quảng Trị ra tắm ở đê thủy lợi, sau đó 2 học sinh bị đuối nước; ngày 25-4, nhóm nữ sinh lớp 8 ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An ra tắm sông, 4 em đuối nước.
Chỉ 20 ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4, tại tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 5 vụ đuối nước khiến 13 học sinh tử vong. Tại Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ đuối nước làm 20 em học sinh tử vong…
Thực tế cho thấy, các bậc phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc cho con học bơi nhưng họ vẫn còn mơ hồ về khái niệm phòng tránh đuối nước. Không phải biết bơi là trẻ sẽ tuyệt đối an toàn, bởi còn phụ thuộc điều kiện thời tiết, độ sâu, độ xoáy… của dòng nước. Nhiều trường hợp đuối nước có nguyên nhân bị chuột rút, say nắng, say nóng hoặc bị cảm khi xuống nước hoặc không kiểm soát được cự ly, tốc độ và độ sâu cũng dẫn đến bị sặc nước, ngạt nước và đuối nước.
Theo điều tra của Dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, 90% cha mẹ được hỏi nhận thức vấn đề phòng chống đuối nước là quan trọng vì ảnh hưởng đến sinh mạng của con em họ. Nhưng khi được hỏi cách thức thế nào để phòng chống thì đa số lại không biết. Từ việc không biết hoặc nhận biết chưa đầy đủ về nguy cơ gây đuối nước ở trẻ nhỏ dẫn tới sự chủ quan, lơ là khi giám sát, trông nom.
Còn theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), 33% số vụ tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra do thiếu sự giám sát của người lớn. Việc chủ quan của cha mẹ khi để trẻ tự do vui chơi tại những nơi có mối hiểm họa rất dễ dẫn tới hậu quả đau lòng.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết đuối nước là "dịch" thầm lặng cướp hơn 2.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm. "Dịch" này có thể phòng ngừa bằng việc trang bị cho trẻ em ở độ tuổi tiểu học trở lên biết bơi và biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng xử lý tình huống.
Thi thể học sinh đuối nước (tỉnh Bình Phước) ngày 1-5 được đưa lên bờ sau 3 giờ nỗ lực tìm kiếm.Ảnh: Thảo Nguyễn
Cần sự quan tâm đúng mức, giám sát chặt chẽ
Thực tế, việc giáo dục kỹ năng sống cần thiết (bao gồm trang bị kỹ năng bơi lội) đang được thực hiện trong nhà trường thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, lồng ghép và tích hợp qua các bài học, qua việc xử lý các tình huống thiết thực và sự tư vấn, tham vấn trực tiếp. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập từ nhiều phía.
Chương trình giáo dục phổ thông vẫn còn nặng về tính hàn lâm, lý thuyết. Nội dung các bài học khá dài, chiếm phần lớn thời gian lên lớp của giáo viên. Việc dạy đủ lượng kiến thức, bảo đảm cho học sinh hiểu bài, làm bài được vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của giáo viên. Chính vì vậy, giáo viên lên lớp ít khi có cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh.
Chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp được thực hiện ở các trường còn mang tính hình thức, đối phó, qua loa, chạy theo phong trào. Những buổi ngoại khóa về tình yêu, giới tính, phòng chống tai nạn thương tích hay các cuộc gặp gỡ với chuyên gia tư vấn để thảo luận về bạo lực, mâu thuẫn, cách ứng phó, xử lý tình huống tai nạn… thật sự rất hiếm hoi. Quan điểm giáo dục kỹ năng sống bằng sự trải nghiệm hầu như chưa được chú trọng đúng mức.
Về phía gia đình cũng chưa thật sự quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho con em mình. Việc đặt nặng điểm số quá mức hay thả lỏng chuyện học hành của con cũng góp phần không nhỏ vào việc đẩy các em dần xa lánh với các hoạt động tích cực của cộng đồng. Những thế hệ "gà công nghiệp", "búp bê tủ kính" đã ra đời. Các em thiếu hụt sự phán đoán tình hình, vụng về phân tích tình huống, lúng túng trong việc khước từ những rủ rê có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm…
Riêng vấn đề phổ cập bơi cho học sinh các cấp, từ nhiều năm nay, việc học bơi đã được đưa vào nội dung chính khóa của các trường nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi. Khó khăn lớn nhất vẫn là cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng hết cho toàn bộ học sinh trong độ tuổi cần phổ cập, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Không ít học sinh dù đã học xong, được xem là đã hoàn thành khóa phổ cập nhưng vẫn không biết bơi.
Vì vậy, việc phổ cập dạy bơi trong nhà trường phải thực chất, phải làm sao dạy cho trẻ thực hành được kỹ năng sinh tồn khi dưới nước, trong môi trường tự nhiên như ao, hồ, kênh, rạch, sông, suối, biển… chứ không phải đứng trong hồ bơi trình diễn kiểu này, kiểu khác là coi như đã đạt được mục tiêu.
Từ những vụ việc đau lòng vừa qua cho thấy quan trọng nhất chính là giáo dục kỹ năng sống cần được thực hiện bằng nhiệt huyết và sự quan tâm đúng mức cùng sự giám sát chặt chẽ của người lớn!
Bình luận (0)