Có một thực tế dễ nhận thấy là các chương trình dạy kỹ năng sống (KNS) chưa được xây dựng thành môn học với khung thời gian riêng, với sự đào tạo bài bản và chuyên nghiệp hay được đánh giá chất lượng thực hành, như các bộ môn thông thường. Hầu hết chúng được lồng ghép, tích hợp trong các buổi sinh hoạt hay môn học khác. Người hướng dẫn có thể là thỉnh giảng hoặc giáo viên kiêm nhiệm.
Bỏ ngỏ chất lượng...
Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, có con học cấp 2 tại quận Gò Vấp, TP HCM, cho biết bản thân chị rất ủng hộ thêm KNS vào chương trình học. Bởi chị mong muốn nhà trường cùng với gia đình sẽ cung cấp cho con nhiều nhất các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt, tự bảo vệ bản thân... Nhưng thời lượng 1 tiết/tuần là quá ít.
"Có vẻ giống như chỉ đủ để con cưỡi ngựa xem hoa. Tôi nghĩ kỹ năng sống là thứ cần cập nhật, trau dồi hằng ngày. Như thế mới đủ để trẻ không trở thành những "chú gà công nghiệp", chị Tiên nói.
Sau một tháng, con trai 6 tuổi học KNS ở trường (4 tiết lồng ghép trong giờ sinh hoạt cuối tuần), anh Trần Trung Nam - huyện Hóc Môn, TP HCM - chia sẻ rằng "vẫn y như ban đầu". Con kể được cô hướng dẫn cách gấp chăn sau khi ngủ dậy, bằng clip trên YouTube và cô làm mẫu một lần cho cả lớp. Khi về nhà con cũng muốn làm thử nhưng không nhớ cách gấp ra sao. Sang tuần cô không ôn hay kiểm tra lại bài cũ, mà dạy tiếp bài mới là cách rửa các loại rau và hoa quả, cũng bằng clip.
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng sở dĩ việc dạy KNS ở trường học chưa hiệu quả vì giáo viên ít cho học sinh thực hành, chỉ dạy lý thuyết. Thời lượng của tiết học này còn ít, chưa thực sự được đầu tư vào chương trình và cơ sở vật chất một cách bài bản. Ví dụ, chương trình dạy KNS của Nhật Bản dạy học sinh cách xử lý khi xảy ra hỏa hoạn thì sẽ cho trẻ thực hành nhiều lần trong một học phần.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo cụ của nhà trường ít nhiều chưa thay đổi, cập nhật mới để đáp ứng được hoạt động giáo dục KNS. Hình thức tổ chức của các hoạt động KNS cũng chưa thực sự đa dạng, linh hoạt và đúng với mong muốn, nhu cầu của học sinh. Thực tế là chưa có sự đồng đều trong triển khai giữa các trường đồng cấp, thậm chí các cấp. Giáo viên cũng không được đào tạo chuyên môn, chủ yếu lấy từ các môn khác. Do đó, chất lượng giảng dạy KNS và việc áp dụng vào thực tế cuộc sống chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Hiện nay, chưa có thước đo nào để đánh giá hiệu quả của dạy KNS cũng như chuẩn hóa nó.
Học sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp thông qua các hoạt động trò chơi với người nước ngoài
Tự nguyện trên tinh thần bắt buộc!
Phản ánh đến Báo Người Lao Động, nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Phú Thọ, quận 11, TP HCM chia sẻ, trong năm học 2020 - 2021, hiệu trưởng nhà trường bắt buộc phụ huynh cho con học môn KNS, dù đây là môn tự chọn, với số tiền 80.000 đồng/tháng/học sinh. Tuy nhiên, việc thu tiền này phụ huynh không được hỏi ý kiến hay thông qua. Môn học này cũng không có giáo viên chuyên trách hoặc giáo viên của trung tâm KNS. Người thực hiện các tiết học này là giáo viên đoàn đội.
Trả lời vấn đề này, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 11, ông Nguyễn Trọng Hiếu, cho biết đã nắm được thông tin phản ánh của phụ huynh. Sau khi xác minh, phòng GD-ĐT nhận định nhà trường có hỏi ý kiến phụ huynh trước khi thu tiền môn học KNS. Còn việc lựa chọn giáo viên dạy môn này và nội dung chương trình do nhà trường thỏa thuận với phụ huynh.
Vào đầu mỗi năm học, trước khi phòng GD-ĐT làm tờ trình để phê duyệt các nguồn thu gửi lên UBND quận thì hiệu trưởng các trường sẽ họp cùng ban đại diện phụ huynh để lấy ý kiến về các khoản thu. Sau khi thống nhất, hiệu trưởng sẽ trình với phòng GD-ĐT và phòng tài chính để đi đến kết luận, hoàn thiện nội dung khoản thu trong tờ trình.
"Riêng về lựa chọn có cho con học KNS hay không, phụ huynh được quyền quyết định. Nhà trường không ép" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Nhiều cuộc thi hình thức
Học sinh còn "khổ" với các cuộc thi phong trào ở trường học, chỉ mở ra để có thi đua, thành tích. Ông Bùi Khánh Nguyên nhận định, các cuộc thi trong trường học ở Việt Nam còn rất ít so với các nước khác, nhưng vẫn làm khổ học sinh vì chỉ là hình thức. Có những cuộc thi bắt ép học sinh phải tham gia, dù các em không đam mê, không yêu thích lĩnh vực đó. Cuộc thi còn nặng về kiến thức các môn học, giống như kỳ kiểm tra nâng cấp, thậm chí có trường còn dùng thầy thi với trò. Nghĩa là, giáo viên đứng sau chuẩn bị hết mọi thứ, học sinh chỉ việc lên sân khấu để thi, như vậy thành tích sẽ cao. Những cuộc thi như vậy sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả tương lai của học sinh.
Bình luận (0)