Đã trưa, quán nước của bà Nguyễn Thị Thanh (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM) vẫn chưa bán được gì. Không có khách, bà Thanh đành ngồi "buôn chuyện" với hàng xóm để giết thời gian.
Buôn bán ế ẩm, đi lại vất vả
"Cầu Lò Đường sập rồi, người dân phải đi đường khác. Bây giờ hẻm 1560 Tỉnh lộ 10 trở thành hẻm cụt, không ai đi vào đây nữa. Buôn bán cũng vì vậy mà ế ẩm" - bà Thanh thở dài.
Chỉ tay về phía đầu bên kia cầu Lò Đường, bà Thanh nói thêm: "Bên kia có Trường THPT Bình Tân và chung cư Lê Thành rất đông dân cư. Cây cầu này giúp rút ngắn khoảng cách giữa trường và khu dân cư với Tỉnh lộ 10. Đi làm hay đi học, người dân đều chọn đi tuyến đường này. Giờ cầu sập rồi phải đi vòng đường khác, xa hơn nhiều".
Trong thời gian đầu, UBND phường Tân Tạo bố trí công an phường hướng dẫn, điều tiết giao thông.
Cụ thể muốn di chuyển từ Tỉnh lộ 10 vào Trường THPT Bình Tân hoặc chung cư Lê Thành và ngược lại, phải đi vào đường Hồ Văn Long. Với hướng di chuyển này, mất thêm ít nhất 15 phút, thậm chí là 1 giờ nếu kẹt xe do phải qua chợ Bà Hom (cũ) và 3 trường học. Toàn bộ tập trung lưu thông vào một con đường.
Bà Trương Thị Chín (ngụ phường Tân Tạo) cũng chia sẻ do phải đi vòng sang đường song hành Võ Trần Chí với bề mặt đường xấu, trơn trượt, sình lầy khi trời mưa nên đi lại rất vất vả. "Cây cầu dân sinh này đáp ứng nhu cầu đi lại của rất đông người dân, giờ không đi được nữa, cuộc sống gần như bị đảo lộn. Mong chính quyền sớm có biện pháp khắc phục" - bà Chín đề đạt.
Theo nhiều người dân, cầu Lò Đường xây dựng cách đây khoảng 30 năm. Qua thời gian sử dụng, cầu xuống cấp trầm trọng. Trước khi bị sập, địa phương đã cấm xe ba gác, chỉ cho xe máy lưu thông qua cầu. Chính quyền cũng đã nhiều lần gia cố, sửa chữa nhưng đến tối 9-9 thì xảy ra sự cố sập cầu.
Người dân đi vòng sang đường song hành Võ Trần Chí với bề mặt đường xấu, trơn trượt, sình lầy khi trời mưa
Cầu nằm trong diện tháo dỡ
Ghi nhận tại hiện trường, nền bê-tông ở 2 đầu cầu bị nứt toác, nhịp giữa của cầu bị sập chìm xuống lòng kênh, địa phương đã rào chắn hai bên đầu cầu, có bảng thông báo hướng dẫn người dân di chuyển sang hướng khác.
Ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, thông tin cầu Lò Đường rộng khoảng 2 m, dài 30 m, bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Mặt cầu có kết cấu bê-tông, lan can sắt. Nguyên nhân gây sập cầu là do vào tối 9-9, mưa lớn khiến nước dưới kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dâng cao, chảy xiết; một số cây xanh lớn bị gãy đổ trôi theo dòng nước va vào cầu Lò Đường gây sập cầu. Vụ việc không gây thiệt hại về người.
Sau khi cầu Lò Đường sập, UBND quận Bình Tân đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, người dân khu vực tổ chức khắc phục sự cố, cắt tỉa 2 cây xanh trên bãi bồi, dùng máy xúc đưa cây và bùn rác của bãi bồi lên 2 bên bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Người dân khu vực đi qua đường khác thay thế cho đường qua cầu Lò Đường bị sập.
Cũng theo ông Vũ Chí Kiên, cầu Lò Đường thuộc phạm vi dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư và đang thi công tại khu vực cầu Lò Đường bắc ngang. Theo thiết kế được duyệt, cầu Lò Đường sẽ được tháo dỡ khi thực hiện dự án. Sau khi dự án hoàn thành sẽ hình thành đường giao thông hai bên bờ kênh phục vụ cho người dân khu vực.
Đại diện đơn vị thi công dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng xác nhận dự án có hạng mục tháo dỡ cầu Lò Đường. "Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dự kiến hoàn thành vào dịp 30-4-2025. Nhận thấy cây cầu phục vụ việc đi lại của người dân nên chúng tôi dự định khi dự án sắp hoàn thành mới tháo dỡ cầu Lò Đường nhưng chưa kịp thì cầu đã xảy ra sự cố. Đơn vị cũng phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục sự cố" - vị đại diện cho hay.
Bình luận (0)