Nhìn gương mặt khắc khổ của người cha, nước mắt đầm đìa của người mẹ và ánh mắt day dứt nặng trĩu ưu phiền của thầy hiệu trưởng, ít ai kìm được cơn nức nở. Nỗi đau này sẽ âm ỉ mãi trong lòng người ở lại.
Lỗi của cây phượng chăng? Bao năm che bóng mát cho học sinh vui đùa, học hành, từ thời khắc định mệnh ấy, cây phượng từ người bạn thiết thân của tuổi học trò trở thành kẻ tội đồ tiềm ẩn hiểm nguy. Người ta ném về cây phượng ánh nhìn nghi hoặc, cân đo đong đếm lợi ích và trăn trở nên đốn hạ hay chăng… Trong khi đó, một vài cây phượng khác cũng bật gốc ở nơi này, nơi kia càng khiến sự lo lắng, bất an dâng cao. Đã nhiều nơi bắt đầu đốn hạ cây phượng, từ sân trường đến các nẻo đường trong thành thị.
Bóng mát của cây phượng bao đời nay xoa dịu cái nắng hè oi ả. Tuổi học trò nào chẳng gắn liền với bóng cây phượng, hoa phượng. Nhờ vậy nên trang viết tuổi thơ và thanh xuân của mỗi người xanh mát hơn, thắm đượm hơn. Nhưng cây phượng cho bóng và cho hoa lại chẳng mấy khi được người ta ngó ngàng đến. Từ vườn ươm cây xanh, cây phượng bị tỉa cành gọt rễ chở thẳng đến trồng vào mấy cái hố bé xíu. Hố cạn, rễ bám nông, hễ gặp gió to bão lớn là ngã đổ. Vòng đời của cây phượng cũng đâu phải là vĩnh viễn, đến thời điểm nhất định sẽ phải chấp nhận dấu hiệu "tuổi già": rỗng thân, mục rễ.
Vậy nên, thay vì đốn hạ nhằm bảo đảm an toàn, hãy "thăm khám sức khỏe định kỳ" cho phượng. Ghi chú độ tuổi; tỉa bớt những cành lá rườm rà; theo dõi độ mục rỗng của rễ, thân; cẩn trọng hơn khi đào hố trồng phượng…
Đừng vì hốt hoảng và âu lo trong tức thời mà vội vàng thu hẹp mảng xanh trong trường học! Xin hãy bình tĩnh với phượng…
Bình luận (0)