Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM (thuộc Sở Xây dựng TP HCM), từ đầu mùa mưa đến nay, TP HCM đã xảy ra hàng chục trường hợp gãy cây, tét nhánh và bật gốc. Trong đó, 3 vụ nghiêm trọng khiến 2 người tử vong và 2 người bị thương.
Dồn dập tai nạn
Vụ mới nhất xảy ra tối 13-6, một cây xanh trên đường Tô Hiến Thành, phường 13 (quận 10), bất ngờ tét nhánh. Cành cây ở độ cao gần 10 m đổ xuống đường đè trúng một người đàn ông chạy xe máy ngang qua khu vực khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Cũng trong chiều hôm đó, cây xanh trên đường 3 Tháng 2, phường 11 (quận 10) gãy nhánh làm 2 người đang điều khiển xe máy ngang qua bị thương.
Trước đó không lâu, sáng 26-5, cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3) bật gốc, đè một học sinh 12 tuổi tử vong.
Đó là chưa kể nhiều cây xanh ở một số tuyến đường trên địa bàn TP HCM gãy đổ, tét nhánh sau mỗi cơn mưa lớn nhưng may mắn không gây thương vong về người.
Phân tích tình trạng cây ngã đổ, tét nhánh, ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP HCM, cho biết có mấy nguyên nhân sau: tình trạng bức tử cây xanh ngày càng nghiêm trọng; diễn biến bất thường của thời tiết, các thay đổi khác về môi trường như suy giảm mực nước ngầm, gia tăng ô nhiễm...; mật độ xây dựng đô thị, nhất là những tòa nhà cao tầng ngày càng nhiều đã làm thay đổi hướng gió, gây nên hiệu ứng đường hầm làm cho cây xanh dễ ngã đổ và tét nhánh.
Còn theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP, sâu bệnh gây hại đối với cây xanh đường phố và các khu vực công cộng khác dù đã xuất hiện từ nhiều năm trước (như sâu đục thân trên cây viết) nhưng trong những năm gần đây, tình trạng này ngày càng phổ biến trên những loài cây khác nhau (như me tây, long não, sao đen, dầu rái, muồng hoa đào, kèn hồng...).
Đến thời điểm hiện nay, trong công tác chăm sóc cây xanh đô thị trên địa bàn TP HCM vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể về biện pháp phòng, trừ sâu bệnh gây hại cũng như quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật đối với công tác này.
Ngăn ngừa cây xanh ngã đổ
Trước thực trạng này, Sở Xây dựng TP HCM vừa phát thông báo khẩn, đề nghị các đơn vị thêm một lần nữa rà soát, kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của toàn bộ các cây xanh được phân cấp, kể cả cây xanh nằm trong các khu vực công cộng khác như cơ quan, công sở, trường học...
Trước khi tiến hành biện pháp xử lý cây xanh để bảo đảm an toàn như đốn hạ, cắt mé cành nhánh, hạ thấp chiều cao, cần tính toán kỹ lưỡng, dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh tình trạng lựa chọn giải pháp không phù hợp, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây xanh về sau.
TS Đinh Quang Diệp, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết sau nhiều năm quan sát nhận thấy cổ thụ lẫn cây xanh mới trồng trên đường phố, nơi công cộng chưa được bảo vệ tốt, thiếu quy hoạch bài bản. Nhiều tuyến phố và khu dân cư tùy ý trồng cây. Đơn cử cây lộc vừng nếu trồng rất đẹp nhưng nở bông rụng rất bẩn, việc vệ sinh sẽ là vấn đề lớn.
"Ngoài ra, tình trạng cây xanh bị xâm hại đã diễn ra một thời gian dài nhưng chưa bị xử lý nghiêm. Camera an ninh hiện nay phủ khắp nơi, dễ dàng tìm ra chứng cứ và thủ phạm. Lâu nay, các vụ xâm hại và cố tình trồng cây theo mong muốn không xử lý hình sự được. Phải xử lý nghiêm mới bảo đảm tính răn đe" - TS Đinh Quang Diệp nêu.
Đồng quan điểm, một chuyên gia về đô thị nhấn mạnh phải ngăn chặn các tình huống xâm hại cây xanh đường phố. Cần có sự thống nhất, đồng bộ khi thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang vỉa hè giữa đơn vị thi công, chủ đầu tư công trình và công viên cây xanh. Khi đó, sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng cây xanh bị chặt bớt rễ, làm lệch tán, mé nhánh không đúng cách, giúp sự sinh trưởng, độ bền chắc và tuổi thọ của cây xanh đường phố được bảo đảm.
"Ngoài ra, tình trạng cây xanh gãy đổ, tét nhánh vào mỗi mùa mưa còn cho thấy có sự bất cập trong công tác chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng cây xanh. Nên chăng lập một đơn vị chuyên về cây xanh đường phố để nghiên cứu, đề ra quy trình, quy định đầy đủ về kỹ thuật, qua đó chủ động có giải pháp bảo trì, bảo dưỡng cây xanh" - vị này đề xuất.
Khẩn trương có chính sách bồi thường
Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP HCM), ở góc độ quản lý nhà nước, việc các tổ chức, cá nhân đảm nhiệm công tác chuyên ngành chưa thực hiện nghiêm công tác chăm sóc, bảo vệ, kiểm tra đốn hạ cây, cành hư nhằm loại trừ những sự cố đáng tiếc… cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra các tai nạn đau lòng.
Với những thiết bị kỹ thuật hiện đại, nếu các tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ chăm sóc cây nêu cao tinh thần trách nhiệm, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả thiết thực nhằm giảm thiểu, loại trừ tai nạn do cây xanh gây ra.
"Hiện nay, vẫn chưa có một quy trình, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể nào được ban hành trong việc triển khai các biện pháp, cũng như công tác chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh đô thị. Điều này dẫn đến các đơn vị quản lý cây xanh ỷ lại, chưa thực hiện nghiêm ngặt việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh. Nếu quá trình điều tra sự cố cây xanh gãy đổ gây thương vong, hư hỏng tài sản không thuộc trường hợp bất khả kháng, thì phần trách nhiệm phải thuộc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Thế nhưng, hiện cũng chưa có quy định cụ thể đối với việc bồi thường, hỗ trợ cụ thể cho các trường hợp này. Cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương có cơ chế, chính sách khắc phục, bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố, kể cả việc hỗ trợ người dân trong trường hợp "bất khả kháng" - luật sư Nguyễn Tri Đức kiến nghị.
Bình luận (0)