Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.300 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, TP. Riêng TP HCM với chiều dài hình thành và phát triển hơn 300 năm cũng đang lưu giữ nhiều tinh hoa di sản lịch sử, văn hóa đô thị. Trong đó có 172 di tích đã quyết định xếp hạng (gồm di tích quốc gia đặc biệt, di tích khảo cổ học, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử).
Thiếu sự quyết liệt của địa phương
Đây chính là lợi thế, tiềm năng để xây dựng và phát triển các di sản thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa riêng của TP.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác giám sát, quản lý, trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích văn hóa vẫn tồn tại một số hạn chế khiến một số di tích bị xâm phạm, lấn chiếm, trục lợi.
Vấn đề di tích bị xâm hại diễn ra muôn hình vạn trạng do nhiều nguyên nhân như nhận thức của người dân và cả cán bộ quản lý hạn chế; ngân sách nhà nước hằng năm phân bố cho công tác trùng tu quá ít mà số lượng di tích lại quá nhiều. Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước, nhất là ở địa phương trong lĩnh vực này còn nhiều yếu kém, tồn tại, thậm chí ngành văn hóa ở địa phương cũng không nắm bắt hết, thanh tra, kiểm tra không kịp thời. Chẳng hạn, việc chấn chỉnh hàng quán, dịch vụ lấn chiếm, làm nhếch nhác cảnh quan, không gian di tích không phải là bài toán không lời giải. Trên thực tế, không thiếu những trường hợp lập lại trật tự thành công nhờ sự kiên trì, quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương; công tác tuyên truyền, giáo dục tốt để người dân tự nguyện, trân trọng, hợp tác bảo vệ di tích. Bỏ qua công tác tuyên truyền, việc lập lại trật tự trong không gian di tích khó hiệu quả bởi cơ quan chức năng không phải lúc nào cũng có mặt để thực thi pháp luật.
Đình Tân An (quận 1, TP HCM) bị chiếm dụng, trông nhếch nhácẢnh: Phạm Dũng
Phải xử lý nghiêm minh
Giữ gìn vẻ đẹp cảnh quan, sự tôn nghiêm là một trong những yêu cầu của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Vì thế, giải pháp đầu tiên vẫn là nâng cao vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, nhất là Sở Văn hóa - Thể thao, Phòng Văn hóa - Thông tin. Song song đó, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về di tích, di sản văn hóa thông qua việc tuyên truyền. Ngoài ra, khai thác hiệu quả thông qua phát triển du lịch bền vững cũng là cách tốt nhất để di sản văn hóa được tồn tại vững bền. Một điều rất quan trọng nữa là chú trọng công tác đào tạo cán bộ quản lý văn hóa để họ có đủ khả năng xử lý các tình huống có nguy cơ hủy hoại hoặc làm biến dạng di tích, di sản.
Đặc biệt, hiện đã có những văn bản pháp luật như Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung 2009, Bộ Luật Hình sự năm 2015, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa… Tuy nhiên, việc xử phạt vẫn chưa đến nơi đến chốn, hiếm trường hợp bị xử lý hình sự hành vi xâm hại di tích. Vì vậy, vấn đề còn lại vẫn là thực thi pháp luật cần phải quyết liệt, xử lý nghiêm minh các hành vi hủy hoại, xâm hại di tích, di sản mới mong ngăn chặn tình trạng xâm hại di tích.
Quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã, phường
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa gửi văn bản số 2009/BVHTTDL-DSVH tới UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở VH-TT-DL, Sở VH-TT và UBND các quận, huyện, TP, thị xã trực thuộc phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa. Bộ cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn và cơ chế phối hợp quản lý giữa UBND cấp xã với tổ chức quản lý di tích hoặc người được giao trông coi di tích. Tăng cường tuần tra, canh gác kết hợp lắp đặt thiết bị bảo vệ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích.
Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý di tích, quản lý các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cho cán bộ cấp huyện, xã có liên quan và người trực tiếp trông coi di tích. Ưu tiên đầu tư hệ thống PCCC, hệ thống cứu hỏa tự động đủ tiêu chuẩn tại các di tích. Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án tu bổ di tích, tránh để xảy ra sai phạm sau đó mới xử lý nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, kể cả đối với những di tích chưa được xếp hạng.
H.Hiếu
Bình luận (0)