Điều đầu tiên tôi và mọi thành viên gia đình đều rất ấn tượng khi vừa đặt chân tới Yên Tử, đó là không hề có bóng dáng đội quân ăn xin hay tình trạng người mưu sinh đeo bám chào mời "dai như đỉa" diễn ra ở hầu hết các khu di tích, danh lam thắng cảnh trên các vùng miền khác của đất nước. Một "ấn tượng" nữa là ban tổ chức bố trí người cầm loa thông báo chỉ dẫn đường, hướng đi, các địa điểm chùa chiền, ga đi, ga đến của hệ thống cáp treo... cho khách đi hành hương lễ Phật, thăm viếng biết để họ không bị lạc. Ngoài ra, suốt chiều dài từ chân núi lên tới đỉnh chùa Đồng, lối đi luôn có rất nhiều thùng rác được lắp đặt kèm theo biển thông báo không xả rác bừa bãi, bỏ rác vào nơi quy định nên tình trạng rác vương vãi hầu như không có...
Thế nhưng, trong khá nhiều ấn tượng tốt kể trên, tôi (và chắc chắn nhiều du khách khác nữa) vẫn cảm thấy phiền lòng vì tình trạng "chặt chém" ở đây.
Hôm đó, khoảng 12 giờ trưa, khi từ dưới chân núi vừa leo lên tới chỗ đặt tượng đá An Kỳ Sinh, đoàn chúng tôi ghé vào quán hàng gần đó nghỉ chân kết hợp ăn uống lót dạ trước khi chinh phục điểm cao cuối cùng là chùa Đồng. Tôi và mẹ mỗi người ăn một trái bắp, cha tôi uống 1 lon nước tăng lực Red Bull, cháu tôi ăn 2 quả trứng gà luộc... Khi gọi tính tiền, tôi và mọi người đều "choáng" vì chủ quán nói giá mỗi trái bắp 25.000 đồng, lon Red Bull 30.000 đồng, 2 quả trứng gà luộc 20.000 đồng. Khi tôi thắc mắc vì sao lấy giá đắt như vậy, chủ quán buông một câu: "Giá ngày Tết là vậy!". Trong khi đó, lúc xuống núi, nghỉ chân gần chùa Hoa Yên, 5.000 đồng/trái bắp, trứng luộc 5.000 đồng/quả...
Thực ra việc bị "chém" thêm mấy chục ngàn chẳng đáng là bao so với chi phí cho chuyến hành hương nhưng ai cũng thấy ấm ức. Mẹ tôi bảo: "Thôi, đi lễ bái không nên tức bực. Tốt hơn hết là rút kinh nghiệm cho lần sau, khi đi ăn uống, mua bán ở đâu phải hỏi giá trước...".
Bình luận (0)