Năm 2016, trước thực tế có nhiều trẻ sinh non hoặc có bệnh lý nên thiếu sữa mẹ, lãnh đạo Bệnh viện (BV) Phụ sản Nhi Đà Nẵng đã có quyết định táo bạo bằng việc cử các điều dưỡng Khoa Nhi sơ sinh đi học tập kinh nghiệm tổ chức Ngân hàng Sữa mẹ ở Scotland. Từ chuyến đi này, bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc BV Phụ sản Nhi Đà Nẵng - Trưởng Khoa Nhi sơ sinh, cho biết Ngân hàng Sữa mẹ đã ra đời ở BV này vào ngày 17-2-2017.
Điều dưỡng Lê Thị Thanh Hương, phụ trách Ngân hàng Sữa mẹ, kể do lần đầu tiên của cả nước có mô hình này nên đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong những ngày đầu thành lập.
"Chúng tôi phải trực tiếp đi vận động các bà mẹ đang ở trong BV hiến tặng sữa. Sau đó thì thông qua trang fanpage của Ngân hàng Sữa mẹ. Việc vận động gặp nhiều khó khăn bởi ai tham gia là phải chấp nhận quy trình hiến sữa chặt chẽ để bảo đảm nguồn sữa mẹ được an toàn" - điều dưỡng Hương nhớ lại.
Nhân viên Ngân hàng Sữa mẹ điều khiển thiết bị bảo quản sữa Ảnh: Lê Hương
Tình yêu lớn lên nhờ cho đi. Sự yêu thương mà chúng ta cho đi là sự yêu thương duy nhất mà chúng ta giữ được.
(ELBERT HUBBARD)
Ban đầu, qua quan sát tại BV, các nhân viên ở đây phải tìm ra những bà mẹ đang nuôi con tại BV và có tiềm năng về nguồn sữa. Từ đây, đơn vị thành lập nhóm để tư vấn hoặc tư vấn trực tiếp tại giường bệnh. Ngoài ra, trên fanpage, đơn vị thường xuyên cập nhật các bài viết, hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ để thông qua đó kêu gọi các bà mẹ hiến sữa. Để hiến sữa, các bà mẹ phải trả lời nhanh qua một bảng câu hỏi, sau đó là xét nghiệm máu, sàng lọc 4 bệnh (viêm gan B, viêm gan C, HIV và giang mai). Nếu bà mẹ không mắc các bệnh trên thì sẽ ký vào giấy đồng thuận hiến sữa và được tư vấn quá trình vắt sữa.
"Không giống quy trình đơn thuần như các bà mẹ thường làm tại nhà, do sữa mẹ ở đây sẽ phải trải qua nhiều xét nghiệm. Vì thế, bà mẹ hiến tặng phải thực hiện các bước vệ sinh đúng quy trình như vệ sinh tay, vú, dụng cụ vắt sữa..." - điều dưỡng Hương kể và nói rõ thêm là người hiến sữa ngoài hiểu biết về giá trị của sữa mẹ còn phải thật sự tâm huyết mới chấp nhận quy trình nghiêm ngặt như vậy, có người còn phải vượt qua cả sự phản đối của gia đình.
Theo điều dưỡng Hương, đến nay, Ngân hàng Sữa mẹ đã tiếp nhận gần 4.300 lít sữa từ 316 bà mẹ, trong đó có 1.239 lít từ các bà mẹ có con đang nằm tại BV, số còn lại là tiếp nhận từ cộng đồng, chủ yếu thông qua fanpage hoặc các bà mẹ tới tận nơi để cho.
Bác sĩ Hoàng cho hay từ khi có Ngân hàng Sữa mẹ, trẻ sinh non, mắc bệnh lý, có mẹ bị bệnh lý, thiếu sữa… trong BV này đều được dùng sữa mẹ thay sữa công thức hay sữa chia sẻ từ cộng đồng như trước đó. Từ đó, ý thức nuôi con bằng sữa mẹ đối với các bà mẹ hay gia đình của họ cũng tăng lên. Họ nhận thấy sự quý giá vô cùng, bởi ở đây ngân hàng phải chắt chiu từng giọt để tất cả mọi trẻ sơ sinh trong BV đều được dùng sữa mẹ khi mới lọt lòng. Câu nói cửa miệng của các nhân viên ở Ngân hàng Sữa mẹ là: "Mẹ chỉ sinh ra một em bé nhưng có thể là mẹ của nhiều em bé khác".
Niềm hạnh phúc
Chị Phạm Thanh Hà (ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), người đạt kỷ lục đã hiến 100 lít sữa, cho hay việc hiến sữa là một niềm hạnh phúc. "Chỉ cần tận dụng công sức một chút thì mình đã có thể tạo nên một nguồn sống vô giá đối với các em bé khác. Vừa có thể để nhiều em bé khác thiếu sữa được dùng nguồn sữa mẹ mà cơ thể mình cũng thoải mái hơn, con mình luôn được dùng sữa mới. Nếu không thì lượng sữa đó chỉ để bỏ đi thôi" - chị Hà nói.
"Với những người mẹ này, chúng tôi không có lời cảm ơn nào để nói hết bởi vì họ làm điều đó hoàn toàn là tự nguyện, đến từ tâm" - điều dưỡng Hương nói.
Bình luận (0)