Sáng 10-4, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) đã chính thức đưa vào hoạt động Ngân hàng sữa mẹ đặt trong khuôn viên bệnh viện. Đây là Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở khu vực phía Nam và thứ 2 tại Việt Nam, sau Ngân hàng sữa mẹ tại Đà Nẵng; được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu và với sự hỗ trợ của Cơ quan viện trợ Ireland Irish Aid và Alive & Thrive.
Nhân viên y tế đang tiến hành các thao tác xử lý sữa mẹ được hiến tặng
Theo thạc sĩ- bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ hoạt động theo mô hình thu thập sữa tự nguyện hiến tặng từ các bà mẹ đang nuôi con nhỏ bằng nguồn sữa của mình, không nhận chi phí. Sữa mẹ được chọn lọc từ các bà mẹ khỏe mạnh, không mắc bệnh lý (như viêm gan siêu vi B, HIV...), không có các hành vi nguy cơ ảnh hưởng đến sữa mẹ và được kiểm tra, xét nghiệm máu theo quy trình nghiêm ngặt.
Về phần người nhận sữa, họ chỉ phải trả một chi phí nhỏ để bù đắp cho quá trình xử lý, thanh trùng, lưu trữ sữa, thực hiện các xét nghiệm...tại ngân hàng. Tuy nhiên, bác sĩ Quang Thanh, thông tin bệnh viện sẽ miễn giảm cho các bà mẹ có gia cảnh khó khăn.
Cắt băng khánh thành Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ
BS CK II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho hay ý tưởng thành lập Ngân hàng sữa mẹ bắt nguồn từ hình ảnh những em bé sinh non. Trẻ sinh non trước giờ vẫn được nuôi bằng sữa công thức khi mẹ không có sữa, tuy nhiên, dù công nghệ hiện đại đến mức nào, sữa công thức cũng không tốt cho em bé bằng sữa mẹ được. Được bú sữa mẹ, trẻ sẽ giảm nhiều nguy cơ như viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh muộn và tăng tỉ lệ sống sót lên rất nhiều, thậm chí có thể đạt tới 50% ở các em bé sinh cực non. Ngoài ra, với các em bé sơ sinh mà mẹ không thể cho con bú, việc nhận được sữa mẹ hiến tặng sẽ vô cùng có giá trị trong sự phát triển của trẻ.
"Để nuôi dưỡng con người từ lúc sinh ra không có gì quý giá bằng sữa mẹ" – ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh. Theo ông, trong thực tiễn, rất nhiều những đứa trẻ không thể tiếp cận được nguồn sữa mẹ, ví dụ những em bé không còn mẹ, người mẹ có bệnh không cho con bú được...Trong khi đó, nhiều bà mẹ căng sữa, dư thừa, con bú không hết lại rất cần được hút bớt ra để hạn chế các nguy cơ áp-xe, tắc tia sữa... Nếu họ hiến tặng số sữa dư thừa này, nhiều em bé sẽ có cơ hội lớn lên khỏe mạnh, phòng ngừa được nhiều bệnh tật và cũng là nguồn động viên cho các bà mẹ không thể cho con bú.
Ông Nguyễn Viết Tiến cho biết ông hy vọng rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều Ngân hàng sữa mẹ ra đời trên toàn quốc. Đây là tinh thần chỉ đạo ngành của Bộ Y tế, hướng tới mục tiêu nhân văn, nhân đạo và cải thiện nòi giống cho người Việt Nam.
Phó giáo sư- Tiến sĩ- Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định thời gian đầu ngân hàng sữa sẽ cung ứng cho nhu cầu tại Bệnh viện Từ Dũ, sau đó sẽ mở rộng cung cấp cho các bệnh viện khác trên địa bàn vì quy mô của ngân hàng đủ khả năng cung cấp cho nhiều bệnh viện.
Bình luận (0)