Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 5-9, chị Hứa Cẩm Tú (37 tuổi, bệnh nhân bị cắt 2 quả thận) đã về đến TP Cần Thơ. Do trời mưa nên chỉ có anh Nguyễn Tấn Tài (em của anh Nguyễn Thiện Trí, chồng chị Tú) đến đón.
Thiếu tiền mua thuốc
GS-TS Bùi Đức Phú (bìa trái), Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế,
tặng quà cho chị Hứa Cẩm Tú trước khi về Cần Thơ. Ảnh: QUANG NHẬT
Anh Nguyễn Thiện Trí cho biết: “Bác sĩ dặn nếu vợ tôi về nhà thì gia đình không được nuôi gia súc, gia cầm vì sức đề kháng còn yếu. Một ngày vợ tôi phải uống thuốc 7 lần từ sáng đến 21 giờ và phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời”. Trước khi về Cần Thơ, BV Trung ương Huế đã chuẩn bị trước thuốc cho chị Tú uống trong vòng nửa tháng. Tuy nhiên, lo lắng hiện nay của vợ chồng chị là sau khi hết số thuốc này thì không biết sẽ lấy thuốc ở đâu mà dùng.
Sự cố y khoa hiếm gặp
Trước đó, vào sáng cùng ngày, BV Trung ương Huế đã tổ chức buổi lễ xuất viện cho chị Hứa Cẩm Tú. GS-TS Bùi Đức Phú, Giám đốc BV Trung ương Huế, khẳng định: Đây là sự cố y khoa hiếm gặp và có khả năng xảy ra bất kỳ nơi đâu. Đây là ca ghép thận khó, phức tạp nhất trong hơn 70 ca ghép thận từ trước đến nay do BV Trung ương Huế thực hiện.
Sau 2 lần mổ ghép thận vào ngày 10-7, trong vòng một tháng chị Tú phải mổ thêm 8 lần. Những lần mổ này rất khó khăn vì nguy cơ nhiễm trùng cao, thao tác đòi hỏi phải nhẹ nhàng, quá trình truyền máu và tiểu cầu phải bảo đảm không gây nên tình trạng thải ghép thể dịch. Chị Tú đã được truyền 10,4 lít hồng cầu, 31 đơn vị tiểu cầu khối đậm đặc, 17 đơn vị huyết tương lạnh và 7 đơn vị huyết tương tươi.
GS-TS Bùi Đức Phú cho biết thêm: “Chúng tôi thường xuyên trao đổi với các chuyên gia ghép tạng ở Pháp và Bỉ để điều trị rối loạn đông máu. Sau lần mổ thứ 10 vào ngày 10-8, đến nay bệnh nhân Tú hoàn toàn ổn định, vết mổ khô, không nhiễm trùng, không còn rối loạn đông máu, không xuất hiện hiện tượng thải ghép”.
Theo GS-TS Bùi Đức Phú, kinh phí điều trị cho chị Tú tốn khoảng 2,5 tỉ đồng, trong đó một phần do BHYT chi trả, phần còn lại do BV Trung ương Huế đảm nhận. “Bệnh nhân Tú sẽ tiếp tục điều trị chống thải ghép ở BV Đa khoa Cần Thơ và cũng tốn rất nhiều tiền. Số kinh phí này tôi được biết Bộ Y tế và UBND tỉnh Cần Thơ sẽ làm bảo hiểm 100% cho chị Tú” – ông Phú cho biết thêm.
Nhiều khó khăn Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc BV Đa khoa Cần Thơ, BV này chưa từng điều trị chống thải ghép cho bệnh nhân nào sau khi ghép thận. Thông thường bệnh nhân ghép thận ở đâu thì nơi đó sẽ điều trị chống thải ghép. Vì vậy BV sẽ gặp nhiều khó khăn khi điều trị chống thải ghép cho chị Tú. Ban lãnh đạo BV sẽ họp để có kế hoạch chăm sóc, điều trị chống thải ghép cho chị Tú theo phác đồ của BV Trung ương Huế. Chắn chắn còn rất nhiều khó khăn chờ đón chị Tú vì phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời trong khi gia cảnh chị gặp nhiều khó khăn. |
Bình luận (0)