Ngày 14-7, diễn đàn "Chia rác từ 2 thành 3 loại: Bỡ ngỡ nhưng cần quen" tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tham gia thảo luận, hiến kế.
Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN (Đoàn Luật sư TP HCM):
Tránh tình trạng "hụt hơi"
Việc phân loại chất thải tại nguồn đã được nhiều nước áp dụng từ lâu nhưng ở Việt Nam thì điều này còn khá mới. Để được người dân đồng tình, ủng hộ cần bảo đảm đủ điều kiện để thực thi.
Tại TP HCM, hình thức nhà ống là phổ biến, kiểu xây nhà này cộng với việc diện tích nhỏ, vỉa hè phía trước hẹp hoặc không có, các dụng cụ đựng rác còn bị mất cắp… thì việc lập tức triển khai quy định phân loại chất thải tại nguồn sẽ gây một số lúng túng cho người dân. Ngoài ra, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn trong từng hộ gia đình có thể thành vô nghĩa nếu thu gom vẫn được đổ chung một xe hoặc trộn lẫn tại các điểm tập kết.
Để quy định đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ lợi ích của hoạt động phân loại rác thải tại nguồn. Từ cơ sở hiểu rõ lợi ích mới đòi hỏi ý thức chấp hành của cư dân đô thị. Ngoài ra, bên cạnh sự tự giác của người dân, Công ty Môi trường đô thị và các cơ sở thu gom rác dân lập phải áp dụng biện pháp kiên quyết chỉ thu gom khi rác thải đã được phân loại tại nguồn.
Phương tiện thu gom rác tại TP HCM sắp tới phải được nâng cấp để phù hợp với tình hình thực tế Ảnh: THU HỒNG
Song song đó, cần có cơ chế cụ thể giao thẩm quyền xử phạt cho UBND cấp xã vì đây là cấp chính quyền gần dân nhất, có mạng lưới giám sát tốt nhất và mức xử phạt cũng nằm trong khung luật định. Tuy nhiên, biện pháp xử phạt nên là biện pháp, chế tài cuối cùng.
Triển khai một quy định trên thực tế phải được tiến hành đồng bộ từ tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành đến giám sát, xử phạt. Những giải pháp này phải thực hiện thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ban đầu rầm rộ nhưng sau thì chểnh mảng, "hụt hơi" như nhiều phong trào trước đây.
Chị PHẠM NGỌC HÀ (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội):
Tham khảo những cách làm tốt
Tại Hàn Quốc, ngay từ trong gia đình trẻ đã được dạy và thực hiện phân loại rác. Mỗi khu vực dân cư sẽ có ngày, giờ đổ rác cụ thể. Nơi để rác có sẵn 3 thùng màu khác nhau để người dân bỏ từng túi rác đã được phân loại vào.
Với Nghị định 45/2022, nhà nước đã đưa ra mức phạt nhưng chưa có văn bản hướng dẫn hay bắt buộc người dân phải đi tập huấn phân loại rác. Khi thực hiện mà không ai biết là điều đáng lo, chưa kể nhận thức và thói quen của người dân về vấn đề này chưa hẳn đã tốt.
Một quy định cấp nhà nước muốn khả thi phải dựa vào nhiều yếu tố. Nhiều quốc gia đang làm tốt việc xử lý rác thải nên nước ta có thể chọn lọc và áp dụng... Tôi tin rằng giống như việc đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang, theo thời gian, nếu thực thi quy định phân loại rác một cách nghiêm túc và khoa học sẽ góp phần tạo nên nét sống đẹp của người Việt.
Chị TRẦN MINH NGỌC (ngụ quận Tân Bình, TP HCM):
Tập để thành thói quen
Gia đình tôi có thói quen để các vỏ chai nhựa, bìa giấy... ra riêng để mang cho người lượm ve chai thay vì vứt chúng vào thùng rác. Nhờ thói quen này nên khi hay tin sắp tới sẽ làm nghiêm việc phân loại rác, tôi thấy bình thường và ủng hộ. Tuy vậy, không phải ai cũng như gia đình tôi, cơ quan chức năng cần có mốc thời gian cụ thể để người dân làm quen với các quy định về phân loại rác, rồi sau đó mới bắt đầu thực hiện và xử phạt.
Anh HỒ THANH LÂM (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM):
Quan trọng là ý thức
Ở chung cư tôi đang sống, mỗi tầng sẽ có một khu vực đổ rác riêng. Rác từ những gia đình sẽ được dẫn thông qua một đường dẫn để đến khu tập kết rác của cả chung cư. Mỗi tầng chỉ có một đường ống dẫn rác, nếu người dân phân loại ra nhưng đến khi đổ thì lại đổ chung vào một đường ống. Rác sau khi đã đổ vào đường ống thì đâu còn biết rác của ai để mà xử phạt. Nên, quan trọng là ý thức chấp hành việc phân loại của mọi người, cơ quan chức năng cũng cần tính tới khó khăn như ở trên để có hướng dẫn hoặc giải pháp cụ thể.
Chị NGUYỄN THỊ YẾN NHI (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM):
Cần hướng dẫn cụ thể
Ngày 25-8 bắt đầu áp dụng quy định mới nhưng hiện tại tôi vẫn chưa thấy địa phương có hướng dẫn hay thông báo gì, nếu các nơi khác đều như vậy thì là thật tai hại. Nhưng chậm còn hơn không, ngay từ bây giờ, việc tuyên truyền quy định và phổ biến kiến thức về rác nên được tiến hành ngay với nhiều hình thức. Cụ thể như phát tờ rơi tới từng hộ dân, thông báo trên bảng tin khu phố, phát động thực hiện thông qua báo, đài, truyền thông...
TP HCM chờ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Liên quan việc triển khai thực hiện Nghị định 45/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, cho biết Bộ TN-MT đang xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt để hướng dẫn các địa phương thống nhất áp dụng. Sau khi có văn bản hướng dẫn này, Sở TN-MT sẽ tham mưu, trình UBND thành phố lộ trình cụ thể triển khai để bảo đảm việc phân loại chất thải sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (luật này quy định chậm nhất đến ngày 31-12-2024 thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 3 loại).
Trong giai đoạn này, Sở TN-MT sẽ tiếp tục phối hợp UBND quận, huyện và TP Thủ Đức đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ các quy định, chính sách mới và chủ động tham gia thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT, phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn là trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân đã được quy định tại điều 82 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Việc không phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn là hành vi vi phạm tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP, có khung phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng. Với Nghị định 45/2022 thay thế NĐ 155/2016 thì mức phạt hạ xuống còn 500.000 đến 1 triệu đồng/trường hợp vi phạm.
"Tuy nhiên, trước khi tiến hành xử phạt người dân, cần có kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn rõ ràng để người dân không bỡ ngỡ" - bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nói.
T.Hồng
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-7
Bình luận (0)