Trước những vụ việc nhức nhối liên quan đến an ninh trật tự đã và đang xảy ra, câu hỏi liên quan đến trách nhiệm, vai trò chính quyền địa phương như: chính quyền địa phương đang làm gì? Liệu có chuyện lơ là, bao che cho những vi phạm? Việc xử lý đối với cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm công vụ ra sao...?, được dư luận đặc biệt quan tâm.
Cần phản hồi thẳng thắn, sòng phẳng
Kể về câu chuyện xảy ra với chính gia đình mình, bạn đọc Hồ Tăng Quang (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết do con gái thiếu nợ nên một nhóm giang hồ liên tục đến khủng bố, gây sức ép buộc vợ chồng ông trả nợ thay. "Trước đó, chúng tôi đã bán nhà trả nợ thay con nhưng họ vẫn không buông tha. Một thời gian dài, nhà chúng tôi bị nhiều người lạ đến tạt sơn, đập cửa kính. Chúng tôi từng kêu cứu nhiều nơi. Đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn chưa hết bất an, hoảng loạn mỗi khi nhắc đến vụ việc xảy ra cách đây 1 năm. Để tự bảo vệ, chúng tôi đã lắp camera, lưu trữ tất cả hình ảnh côn đồ tới đòi nợ, đe dọa và tạt sơn".
Nhà hàng Sunlight bị lực lượng chức năng kiểm tra sau khi Báo Người Lao Động đăng bài điều tra, phản ánh nhà hàng cho tiếp viên thác loạn Ảnh: Khôi Nguyên
Bàn về những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự xảy ra thời gian qua tại TP HCM và một số địa phương (như đòi nợ thuê, bán dự án "ma", thuê nhà kho để chứa hàng tấn chất cấm…), thạc sĩ văn hóa học Nguyễn Huỳnh Ngọc Trân thẳng thắn chỉ ra: "Nói đến việc xử lý sau khi vụ việc bị báo chí đăng tải, trên thực tế dường như tôi ít thấy cơ quan quản lý địa phương hay cấp cao hơn có ý kiến phản hồi một cách thẳng thắn, sòng phẳng. Đặc biệt, biện pháp để ngăn chặn và xử lý triệt để trong tương lai cũng ít được đề cập cụ thể, mà thường là "sẽ chỉ đạo, xem xét, xử lý", rất chung chung. Hiếm có cán bộ liên quan vụ việc bị kỷ luật, cách chức, truy trách nhiệm đến cùng. Những cơ sở vi phạm, như các điểm kinh doanh "thác loạn", nếu có xử lý thì cũng như "bắt cóc bỏ dĩa". Thời gian đầu bị phát hiện thì bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt; sau đó những nơi này dùng kế "ve sầu thoát xác", hoạt động tinh vi, mạnh bạo hơn, thu lợi nhuận nhiều hơn; còn người dân thì tiếp tục bức xúc".
Từ thực tiễn đó, thạc sĩ Ngọc Trân đúc kết: Nếu chính quyền địa phương sâu sát, làm việc có trách nhiệm, phản hồi nhanh chóng, thẳng thắn, sòng phẳng… thì những sự cố đáng tiếc, những vi phạm liên quan đến trật tự an ninh xã hội sẽ không xảy ra.
Tiếp nhận và xử lý tốt tin tố giác
Tương tự, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho rằng an ninh trật tự cơ sở là vấn đề rất quan trọng và tiên quyết trong góp phần giảm tội phạm, giải quyết được những nguyên nhân, mâu thuẫn ban đầu làm phát sinh tội phạm. Hiện nay, rất nhiều vụ việc sai trái, thách thức chính quyền xảy ra ở nhiều lĩnh vực: xây dựng, đất đai, kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, giới thiệu việc làm, đòi nợ thuê, bán hàng đa cấp, buôn lậu… Để bảo vệ lợi ích và nguồn thu bất chính, các đối tượng đã có những hành vi táo tợn, thách thức, bất chấp quy định pháp luật…, tạo ra những bất an xã hội và làm giảm thiểu vai trò quản lý nhà nước của chính quyền sở tại. Nếu thiếu sâu sát trong quản lý địa bàn, quản lý cư trú; đùn đẩy tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm cũng như xử lý vi phạm…, sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, đặc biệt là mất niềm tin của người dân.
"Bên cạnh việc phát động mạnh hơn nữa phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan phải làm tốt công tác tiếp nhận và xử lý tin tố giác, tin báo về tội phạm. Việc tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định cụ thể tại Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015. Theo đó, mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Các quy định của pháp luật cũng đề cập khá rõ trách nhiệm cá nhân làm công tác quản lý nhà nước, đấu tranh tội phạm tại địa phương. Chỉ cần chính quyền địa phương, cơ quan chức năng làm tốt chức trách, nhiệm vụ theo quy định; hành động nhiều hơn lời hứa; không chờ khi báo chí vào cuộc, người dân bức xúc mới ra tay... thì đó chính là câu trả lời và hành động thực tế nhất. Khi người dân đã tin thì họ sẵn sàng báo tin, hỗ trợ cho nhà chức trách đến cùng" - luật sư Hà Hải nói.
Cán bộ phải nhiệt huyết, tận tâm
Tôi có người bạn từ quê lên TP HCM mở quán nhậu. Quán vừa khai trương, giang hồ đã đến đòi bảo kê. Mới đầu là một vài chầu nhậu mỗi tháng, rồi khi ăn nên làm ra, phải đóng tiền bảo kê hằng tháng. Đến chừng quán mở rộng hơn, tiền bảo kê cũng tăng chóng mặt.
Trước sự đòi hỏi ngày càng quá đáng, không còn chịu đựng được nữa, chỉ còn 2 con đường: báo chính quyền hoặc... giải nghệ, anh suy nghĩ rất lâu rồi quyết định báo chính quyền. Vụ việc của anh được cảnh sát hình sự quận thụ lý, bọn giang hồ bảo kê bị triệt phá. Anh bảo mình đã quyết định đúng đắn.
Câu chuyện trên cho thấy nếu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phát huy thế mạnh, quyền lực của nhà nước, luật pháp thì sẽ tạo được niềm tin và nhận được sự phối hợp tốt của người dân trong giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Dĩ nhiên, để làm được điều đó, đòi hỏi trước hết là cán bộ, viên chức phải có phẩm chất đạo đức, sự nhiệt huyết, tận tâm.
Thanh Vân
Bình luận (0)