Ngày ngửi mùi hôi, đêm nghe tiếng "gầm" từ hàng chục máy dệt bao bì. Đó là những gì mà người dân ấp 2, ấp 3, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM đang hứng chịu.
Bị "tra tấn" cả ngày lẫn đêm
Người dân địa phương cho biết trước kia nơi đây không khí rất trong lành, ruộng đồng bao la. Năm 2007, một nhóm người ở nơi khác đến mua thửa ruộng rộng 6.000 m2 để dựng xưởng nấu mủ nhựa, dệt bao bì. Những năm đầu, mùi hôi thoang thoảng ở mức độ chịu được nhưng mấy năm gần đây, xưởng mở rộng quy mô, đưa nhiều máy móc về hoạt động khiến cả ngày lẫn đêm ồn ào, mùi nhựa nồng nặc rất khó chịu.
Xưởng sản xuất bao bì tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM
Chúng tôi đến nhà ông Đỗ Thành Vân, cách khu xưởng sản xuất hơn 70 m. Không thể tiếp chúng tôi trong nhà vì mùi hôi và tiếng ồn từ xưởng nhựa vẳng lại, ông Vân dẫn chúng tôi ra quán giải khát xa khu dân cư để nói chuyện.
Đưa hàng chục giấy biên nhận của các cơ quan chức năng xác nhận về việc đã nhận đơn kêu cứu, ông Vân thở dài: "Đã 3 năm qua, tôi tốn khoảng 3 triệu đồng phí soạn đơn, gửi đơn kêu cứu về tình trạng ô nhiễm ở đây nhưng chẳng được gì. Hồi trước, các con và cháu tôi rất khỏe mạnh, giờ cứ bị viêm phổi suốt. Mấy nhà trong xóm như nhà bà Võ Thị Được, ông Bùi Văn Mười, bà Lê Thị Cúc, ông Lại Văn Thu… đều có người bị bệnh".
Tiếp lời ông Vân, ông Nguyễn Văn Xã bức xúc: "Ban ngày ồn bao nhiêu, chúng tôi cũng ráng chịu đựng được nhưng suốt cả đêm bị "tra tấn" bởi tiếng máy hoạt động ầm ầm, không ai có thể nghỉ ngơi. Cả xóm này bức xúc lắm. Ban đầu, chúng tôi qua gõ cửa xưởng sản xuất để góp ý nhưng họ không tiếp. Chúng tôi làm đơn đến cấp xã, họ xuống kiểm tra rồi quay về, xưởng vẫn hoạt động ầm ầm".
Khu dân cư Xuyên Á, ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cũng thường ngột ngạt, khó chịu bởi xưởng đốt, nấu phế liệu hoạt động suốt ngày đêm. Đứng tại vùng giáp ranh giữa Long An và TP HCM vẫn cảm nhận được sự ô nhiễm từ xưởng này. "Hiện có hàng trăm hộ dân sinh sống vậy mà xưởng vẫn dùng than đá, lốp cao su để đốt phế liệu. Nhiều người bị viêm phổi, phải thường xuyên đến bệnh viện để điều trị" - ông Phạm Văn Mùi (55 tuổi) phản ánh.
Sẽ kiểm tra, xử lý
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đã liên hệ chủ các khu xưởng sản xuất bao bì tại ấp 2 và ấp 3, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Bước vào bên trong khu xưởng, chúng tôi ghi nhận có hơn 60 máy đang hoạt động hết công suất. Hơi nóng và mùi nhựa tỏa ra cộng thêm tiếng ồn đinh tai nhức óc khiến chúng tôi muốn xây xẩm.
Ông Lê Đức Nhã, chủ xưởng sản xuất, cho biết nơi đây có đến 7 hộ cùng hoạt động ngành bao bì. Riêng cơ sở của ông từ sau khi người dân gửi đơn phản ánh đến cơ quan chức năng, đã xây thêm tường gạch để hạn chế tiếng ồn.
"Đặc thù ngành bao bì là phải cho máy hoạt động liên tục, nếu ban ngày mở máy, ban đêm đóng thì khi khởi động lại sẽ tốn rất nhiều điện. Ngoài ra, tắt máy, mở máy hoài sẽ hỏng mô-tơ. Vì vậy, không cho làm đêm thì chúng tôi chết ngay" - ông Nhã phân trần.
Trong khi đó, ông Phùng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú, thông tin năm 2016 chính quyền đã kiểm tra cơ sở dệt bao bì ở ấp 2, phát hiện ô nhiễm tiếng ồn vượt ngưỡng. Các cơ sở đã cam kết chỉ làm việc đến 21 giờ để không ảnh hưởng hộ dân xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, cho biết sẽ chỉ đạo các phòng, ban kiểm tra và báo cáo. "Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm sức khỏe và môi trường. Không thể để xưởng hoạt động mà người dân bị tra tấn" - ông Phụng nêu quan điểm.
Trả lời về những phản ánh của người dân thông qua Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Lành, Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, nói đã chỉ đạo cấp xã kiểm tra, xử lý. Hiện chính quyền đang lên kế hoạch yêu cầu cơ sở có biện pháp ngưng xả khói hoặc di dời nơi khác.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, trên địa bàn huyện Bình Chánh hiện có hàng chục cơ sở hoạt động trong lĩnh vực bao bì. Giải pháp đưa ra là đề nghị các cơ sở liên kết với nhau hình thành một chuỗi hoặc hợp tác xã, công ty rồi thuê một khu đất trong KCN Lê Minh Xuân để hoạt động. Như vậy, vừa chia bớt chi phí thuê mặt bằng vừa tránh gây ô nhiễm trong khu dân cư.
Lo cháy nổ
Nhiều hộ dân ở đường Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP HCM phản ánh tại số 533 Lê Trọng Tấn tồn tại một xưởng thu gom phế liệu, ve chai bốc mùi hôi, phát sinh ruồi muỗi, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, vựa ve chai có nhiều vật liệu dễ cháy lại nằm xen cài trong khu dân cư, nguy cơ cháy nổ cao.
Ông Trần Thới Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Sơn Kỳ, cho biết cơ sở ve chai nói trên hoạt động nhiều năm, có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Tháng 6-2016, UBND phường và Phòng Cảnh sát PCCC quận đã kiểm tra, xử phạt cơ sở vì không bảo đảm an toàn về điện. Riêng vấn đề môi trường, cơ sở cam kết thường xuyên phun thuốc khử mùi.
"Tuy nhiên, từ sau phản ánh mới đây, chúng tôi sẽ thành lập đoàn liên ngành tái kiểm tra cơ sở nói trên, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm. Về lâu dài, chúng tôi sẽ vận động chủ cơ sở di dời nơi khác, tránh hoạt động xen cài trong khu dân cư" - ông Đông cho biết.
Bình luận (0)