Việc chó thả rông gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sự an toàn của người đi đường không phải là chuyện "quốc gia đại sự". Đề tài này báo chí cũng đã nói đi nói lại nhiều lần nhưng mỗi lần nhắc đến vẫn luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Vậy, chó thả rông hoàn toàn không phải là chuyện nhỏ.
Luôn là đề tài nóng hổi
Nếu dành ít thời gian lên mạng, không khó để bắt gặp nhiều website với các bài kêu cứu, xin tư vấn để ngăn chó hàng xóm "bậy" trước sân nhà cùng vô vàn chia sẻ kinh nghiệm như rắc hạt tiêu, ớt, vôi bột…
Nói đâu xa, ngay các cuộc họp tổ dân phố, không ít thì nhiều, chủ đề chó thả rông, chó đi đại tiểu tiện trước nhà hàng xóm… luôn là đề tài nóng hổi. Thậm chí, cuộc họp nào "nạn nhân" cũng tố khổ, cũng yêu cầu chính quyền địa phương có giải pháp xử lý vì không thể chịu nổi cảnh cứ sáng ra là phải dội nước tiểu, dọn phân chó của hàng xóm trước cửa nhà mình…
Chủ nuôi chó đáng lý phải nghe để sửa chữa, khắc phục thì đa phần họ đều vắng họp. Thành ra, cuộc họp nào cũng nói nhưng sau đó, chủ nuôi vẫn ngang nhiên đem chó ra đường cho đại, tiểu tiện. Nếu bị bắt gặp, họ cười trừ hoặc biện minh không kiểm soát được việc chó đi vệ sinh. Nói qua nói lại, người không muốn sứt mẻ tình làng nghĩa xóm thì cuối cùng cũng phải lui cui tự dọn; người nóng tính thì thế nào cũng xảy ra mâu thuẫn, xung đột, thậm chí đánh nhau.
Đó là chưa nói đến những con chó thả rông đa phần không được chích ngừa đầy đủ lại hoàn toàn không được rọ mõm, thản nhiên "đi dạo" ở khu phố, trong công viên, chễm chệ trên xe máy lè lưỡi, mắt long sòng sọc; những con chó đang đi bỗng băng ngang qua đường khiến người chạy xe vì tránh mà té bị thương… Tai họa đều có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng rất nhiều trường hợp, chủ nuôi luôn làm ra vẻ vô can, không chịu trách nhiệm và cũng không tỏ ra ân hận.
Sống ở thành phố được xem là văn minh nhưng cứ hễ ra đường là phải cảnh giác những "bãi mìn" trên đường hoặc canh cánh nỗi lo tai họa bất ngờ từ chó thả rông. Lẽ nào chuyện tưởng chừng như cỏn con đó không có cách gì để xử lý triệt để? Lẽ nào chuyện rọ mõm chó, không để chó đi vệ sinh lung tung lại khó đến vậy?
Chủ nuôi thản nhiên cho chó phóng uế ở Công viên 23 Tháng 9 (TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều
Ý thức kém, luật phải nghiêm
Ở các nước tiên tiến, thú cưng rất được bảo vệ và luật lệ dành cho người nuôi chúng cũng rất nghiêm ngặt. Ví dụ, theo luật pháp nước Anh, chó được thả nơi công cộng mà không có chủ đi kèm đều bị coi là chó lạc, dù đeo vòng cổ hay được gắn chip điện tử. Địa phương nơi đó sẽ phải thu nhận chú chó này và đưa đến trung tâm giữ chó lạc, chủ nuôi muốn nhận lại phải trả phí.
Nếu chủ không đeo vòng cổ gắn tên và địa chỉ cho chó của mình và để chúng đi lạc, họ sẽ có thể bị phạt đến 5.000 bảng Anh. Nếu chó phóng uế nơi công cộng mà chủ nuôi không dọn dẹp sẽ bị phạt; trường hợp ra tòa, mức phạt có thể lên đến 1.000 bảng Anh. Nếu chó có hành vi tấn công người khác, chủ nuôi có thể bị phạt 5.000 bảng Anh và 6 tháng tù giam...
Tại Việt Nam, năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2007 về phòng chống bệnh dại ở động vật. Nghị định này quy định: "Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị, khi đưa chó ra ngoài phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt".
Ngày 15-9-2017, Nghị định 90/2017 có hiệu lực, theo đó (điểm b khoản 2 điều 7) "phạt tiền 600.000-800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng". Việc xử phạt này sẽ thuộc thẩm quyền của UBND cấp phường, xã.
Đáng buồn là từ khi có quy định xử phạt đến nay, rất hiếm trường hợp vi phạm bị chính quyền địa phương áp dụng luật triệt để. Chính vì chưa quyết liệt nên những chuyện tưởng chừng cỏn con như xả rác bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng, thả rông chó... vẫn ngang nhiên diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, an ninh trật tự và sự phát triển bền vững.
Không thể thay đổi ý thức kém chỉ bằng việc hô hào, tuyên truyền. Luật, quy định đã có, vấn đề là từ tổ dân phố đến cơ quan quản lý nhà nước cấp phường, xã, quận, huyện, TP áp dụng như thế nào để "ép" những quy định thành thói quen cho người dân. Một thời gian sau, thói quen sẽ chuyển thành ý thức tự giác.
Ý thức tôn trọng chuẩn mực ứng xử nơi công cộng, tôn trọng cộng đồng phải được hình thành và trở thành thói quen của từng cá nhân thông qua các quy định xã hội và sự nghiêm khắc của pháp luật.
Bình luận (0)