Năm ngoái, một nam thanh niên chở theo em gái đang lưu thông qua ngã tư Lý Đạo Thành - Trần Thánh Tông (phường An Hải Bắc, TP Đà Nẵng) thì bất ngờ tông phải con chó, khiến người và xe máy té ngã. Ngay lập tức, chủ của con chó hung hãn chạy băng qua đường, lao vào đánh nam thanh niên túi bụi khiến nạn nhân bị đa chấn thương.
Giống như tiếng ồn, chó thả rông từ lâu là nỗi bức xúc của người dân đô thị, nói hoài cũng cứ còn mãi. Không chỉ đánh nhau vì chó thả rông, nỗi sợ bị chó cắn, giẫm phân chó trên đường phố… luôn ám ảnh người dân đô thị.
Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. Ngoài ra, theo Bộ Luật Dân sự 2015, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác... Dù vậy, rất ít người Việt Nam nuôi chó quan tâm, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định này và câu chuyện "chó thả rông" vẫn cứ mãi là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm có khoảng 50.000 - 70.000 người tử vong do bệnh dại, trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vắc- xin dại. Ở Việt Nam, mỗi năm có tới gần 100 người chết do bệnh dại, hơn 400.000 người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng.
Trong chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2022 - 2030 mới đây, TP Hà Nội thành lập 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã. Trên các kênh báo chí và mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ, quyết tâm dẹp nạn chó thả rông của TP Hà Nội và mong muốn TP HCM cũng như các địa phương khác cần nhân rộng mô hình này. Đồng thời, các nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung những chế tài nghiêm khắc, các địa phương cần áp dụng những quy định của pháp luật để xử lý triệt để nạn chó thả rông gây mất an toàn giao thông, lây lan dịch bệnh, gây thương tích cho người và mất mỹ quan đô thị.
Bình luận (0)