Ban Cán sự Đảng thuộc UBND tỉnh An Giang vừa có cuộc họp nhằm tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy về việc xem xét lại các quyết định xử phạt hành chính, kỷ luật đối với bà Lê Thị Thu Trang (giáo viên Trường THPT Long Xuyên), ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Công ty Điện lực An Giang) và bà Phan Thị Kim Nga (Phó Chánh Văn phòng Sở Công Thương tỉnh An Giang).
Vì mâu thuẫn cá nhân!
Trong tờ trình gửi đến lãnh đạo Công ty Điện lực An Giang, ông Phúc cho rằng ông không có ý xúc phạm hay bôi nhọ chủ tịch tỉnh mà chỉ nhận xét mang tính cá nhân với hàng xóm là ông Vương Bình Thạnh do đôi bên có mâu thuẫn với nhau trong thời gian dài.
Cụ thể, vào ngày 16-6 vừa qua, trên trang Facebook do bà Trang chia sẻ thông tin về việc Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, với dòng chữ “Hồi nào vậy tèn? Vậy đi cho đẹp lòng dân”. Lúc này, ông Phúc cũng vào tham gia bình luận trên trang cá nhân của bà Nga (vợ ông Phúc) với rất nhiều nội dung, trong đó có câu “Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”.
Theo ông Phúc, nguyên nhân của việc tham gia bình luận là do gia đình của mẹ vợ ông có xích mích với gia đình chủ tịch tỉnh đã lâu nhưng chưa có cơ hội để giải quyết một cách ôn hòa. Ông Phúc còn “tố” nhà mẹ của ông bị lún, nứt do việc thi công của nhà ông Thạnh. Thậm chí khi nhà xây xong rồi thải rác sinh hoạt, đậu xe lấn sang phần sân nhà người khác...
“Sau khi bình tĩnh lại, tôi nhận thấy việc bình luận như vậy là không nên và có tìm bài viết trên mạng để kiểm tra lại. Tôi nghĩ rằng đây chỉ là lời bình luận nhận xét cá nhân trong mối quan hệ xóm láng giềng chứ không có ý bôi nhọ, xúc phạm uy tín của lãnh đạo tỉnh. Tôi thấy sai và đã tích cực sửa sai” - ông Phúc tường trình.
Còn trong buổi làm việc với các ngành chức năng, bà Trang bày tỏ bản thân không nắm rõ quy định pháp luật về lĩnh vực này. Đây chỉ là sự vô tình chứ không cố ý đưa thông tin xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân nào.
Chủ tịch tỉnh rộng lòng?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh An Giang, cho rằng theo quy định hiện hành, bà Trang và ông Phúc phải chịu mức phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng/người. Tuy nhiên, do cả 2 cán bộ này đều nhận lỗi và thành khẩn khai báo khi làm việc với các cơ quan chức năng nên được xem xét giảm nhẹ ở mức phạt chỉ 5 triệu đồng/người.
“Trường hợp của bà Trang và ông Phúc, chúng tôi đã có căn nhắc giảm nhẹ theo điều 5, khoản 1, điểm d Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15-7-2013 về quản lý, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Cũng trên cơ sở này, khi ban hành quyết định xử phạt, chúng tôi áp dụng điểm g, khoản 3, điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện là phù hợp với quy định pháp luật” - ông Tâm khẳng định.
Mới đây, bà Trang có đơn xin được miễn giảm tiền phạt vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Trong khi đó, người trong cuộc là ông Vương Bình Thạnh cũng đã có ý kiến về việc nên miễn hoàn toàn tiền phạt đối với bà Trang và ông Phúc cũng như giảm hình thức kỷ luật xuống mức thấp nhất tại đơn vị công tác vì 2 cán bộ này đã ăn năn hối cải. Riêng trường hợp của bà Nga thì thuộc thẩm quyền của Đảng ủy khối Dân chính Đảng xử lý và Sở Công Thương đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Thường trực Tỉnh ủy.
Về vấn đề này, ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết vào chiều 24-11, ông có cuộc họp với Ban Cán sự Đảng của UBND tỉnh để tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy về hướng xử lý tiếp theo đối với các đương sự. Sở dĩ có cuộc họp này là vì các đương sự đã nhận ra việc làm sai trái của mình cũng như thành khẩn khai báo với các cơ quan chức năng.
“Đồng chí chủ tịch tỉnh cũng có ý kiến rằng không nên xử lý nặng nề đối với các cán bộ này. Ban Cán sự Đảng đã thống nhất ý kiến đề nghị với Thường trực Tỉnh ủy là miễn tiền đóng phạt cho bà Trang và ông Phúc nhưng vẫn chịu kỷ luật ở mức thấp nhất để bảo đảm tính răn đe. Bà Nga cũng được xem xét hạ mức kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền từ cảnh cáo xuống phê bình tại đơn vị, không bị chuyển công tác theo đề nghị trước đó của các ngành chức năng” - ông Hiệp cho biết thêm.
Nên biết điểm dừng
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng một việc nhỏ như thế mà để cho dư luận xôn xao rồi người này bàn ra, người kia tán vào thì không hay chút nào. Các bên liên quan cũng nên biết điểm dừng theo kiểu biết sai thì sửa sai là tốt rồi. Vấn đề còn lại là xem các ngành chức năng có xử lý đúng theo ý kiến cá nhân chủ tịch tỉnh hay không.
Bình luận (0)