Vụ xử phạt 3 cán bộ vì chê chủ tịch tỉnh trên Facebook làm “dậy sóng” dư luận suốt mấy ngày qua.
Trái luật
Theo quan điểm cá nhân tôi, việc cô giáo Lê Thị Thu Trang chia sẻ trên trang Facebook thông tin Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch UBND tỉnh An Giang với dòng chữ “Hồi nào vậy tèn? Vậy đi cho đẹp lòng dân” và việc ông Nguyễn Huy Phúc tham gia bình luận trên trang cá nhân của bà Phan Thị Kim Nga (vợ ông Phúc), trong đó có câu: “Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang” không thể coi là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn công khai xác nhận tại buổi giao ban báo chí Ban Tuyên giáo trung ương rằng đó là nhận xét của công dân, không phải là xuyên tạc, vu khống...
Do đó, Sở TT-TT tỉnh An Giang căn cứ vào điểm d, khoản 1, điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15-7-2013 và điểm g, khoản 3, điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện để xử phạt cô Trang và ông Phúc mỗi người 5 triệu đồng là trái luật.
Việc cơ quan nhà nước ra quyết định xử phạt hành chính một cá nhân mà không có căn cứ pháp luật thì về nguyên tắc phải thu hồi quyết định. Tuy nhiên, qua thông tin trên các cơ quan truyền thông, cơ quan chức năng tỉnh An Giang rút lại quyết định là vì chủ tịch tỉnh đã “tha thứ” cho những người liên quan và chỉ đạo rút quyết định.
Phải sòng phẳng nói rằng việc chủ tịch tỉnh “tha thứ” không phải là căn cứ để rút quyết định, càng không phải là cái phao để “cứu” cho Sở TT-TT tỉnh An Giang trong vụ việc. Sở cần dũng cảm nhận trách nhiệm trong việc ban hành một quyết định xử phạt hành chính không có căn cứ để từ đó ban hành quyết định thu hồi và công khai về việc này.
Đừng quản trị xã hội bằng cảm tính
Chúng ta đang ra sức xây dựng nhà nước pháp quyền; mọi cá nhân, tổ chức, dù ở cương vị nào cũng phải hành xử theo pháp luật, không ai được quyền đứng trên pháp luật. Thế nhưng, từ vụ việc ở An Giang cũng như những vụ việc xảy ra trước đây cho thấy vẫn còn tình trạng người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước mang nặng quan niệm áp đặt ý chí của cá nhân vào việc quản trị nhà nước mà không dựa vào pháp luật. Nói cách khác, họ quản trị xã hội bằng cảm tính hơn là hành xử theo luật, tự cho mình quyền được đứng trên pháp luật để ban hành những văn bản trái luật. Chính những việc làm này đã làm xói mòn lòng tin của người dân vào việc quản trị xã hội đối với chính quyền.
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Việc khen, chê một quan chức đầu tỉnh của cô Trang, ông Phúc là thực hiện quyền tự do ngôn luận của một công dân trong một nhà nước pháp quyền. Dùng quyền lực hành chính để hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân là một hành động vi hiến.
Điều đáng buồn ở đây là hành động vi hiến này lại được huy động một số lượng đáng kể cơ quan công quyền tham gia, từ các sở Công Thương, Giáo dục và Đào tạo,
TT-TT, Trường THPT Long Xuyên, Điện lực An Giang đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy khối doanh nghiệp, Đảng ủy khối Dân chính Đảng... Người dân đóng thuế để nuôi bộ máy công quyền phục vụ nhân dân, quản trị đất nước, chăm lo hạnh phúc cho người dân chứ không phải nuôi bộ máy đi làm những việc như thế này. Bác Hồ đã từng dạy: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh!”. Lẽ nào các vị “công bộc” của dân đã quên những điều Bác dạy?
Rút quyết định xử phạt 2 cán bộ
Ông Trương Minh Thuần, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang, cho biết cơ quan này vừa thu hồi 2 quyết định xử phạt hành chính đối với bà Lê Thị Thu Trang (giáo viên Trường THPT Long Xuyên) và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Công ty Điện lực An Giang) theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy An Giang.
Theo đó, các đơn vị liên quan xét thấy bà Trang có vi phạm nhưng chưa đến mức phải áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện theo điểm g, khoản 3, điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, bà Trang cũng đã được xem xét xóa hình thức kỷ luật khiển trách trong ngành giáo dục như đề nghị trước đó mà chỉ bị phê bình tại đơn vị công tác. Với việc biết nhận lỗi và thành khẩn khai báo khi làm việc với các ngành chức năng cũng như đã kịp thời sửa sai nên ông Phúc cũng không phải chịu đóng phạt như bà Trang. Riêng đối với trường hợp của bà Phan Thị Kim Nga (Phó Chánh Văn phòng Sở Công Thương) thì vẫn còn phải chờ Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng xem xét về việc thu hồi quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền.
T.Nốt
Bình luận (0)