“Sao mấy cơ quan chống ngập cứ thích chơi trò Sơn Tinh - Thủy Tinh quá vậy, nước lên tới đâu thì đường lại nâng cao tới đó? Đây không phải là giải pháp tốt nhất, bởi đường nâng, nhà dân hai bên đường sẽ nâng theo, ngập vẫn ngập. Hơn nữa, trước đây, đường Kinh Dương Vương đã từng nâng mà vẫn ngập. Chưa kể, đường này nâng lên quá cao, những tuyến đường xung quanh thấp hơn sẽ bị ngập diện rộng. Ngày trước, người ta dùng cách khai thông kênh rạch để chống ngập, còn bây giờ cứ chỗ nào thấp thì nâng, nước từ chỗ cao đổ về chỗ trũng, lại nâng. Tốn kém dài dài mà nước vẫn tràn đường và đổ vào nhà dân” - bạn đọc Quỳnh Mai ngao ngán.
Bạn đọc Hữu Minh phân tích: “Tốc độ đô thị hóa chóng mặt, vùng ven bị bê-tông hóa, xây nhà trái phép tràn lan, lấn chiếm, lấp hết mương rạch, cống rãnh, hỏi sao không ngập? Nếu TP không có biện pháp chấn chỉnh và quy hoạch hợp lý, diện tích ngập của TP sẽ còn rộng ra thêm. Vấn đề cốt lõi nằm ở hệ thống thoát nước chứ không phải nâng đường làm cho nhà nước tốn kém, còn dân bỗng dưng mất vài trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng trong khi không phải ai cũng có tiền để chạy đua với việc nâng đường của nhà nước”.
Nhiều bạn đọc cho rằng cuộc sống người dân vốn dĩ đã quá khó khăn, đừng chồng chất thêm nỗi cơ cực trên đôi vai đã trĩu nặng của họ nữa.
Một bạn đọc viết: “Thời gian qua, người dân hai bên đường Kinh Dương Vương phải gánh chịu nhiều thiệt hại vì buôn bán không được, đi lại khó khăn cùng nỗi lo nước tràn vào nhà khi mùa mưa đến. Mục đích chống ngập là để cuộc sống người dân tốt hơn nhưng với kiểu làm lấy được, làm cho xong để có cái báo cáo thành tích mà không tính toán dự án ảnh hưởng đến người dân ra sao, quyền lợi người dân bị xâm hại thế nào thì việc chống ngập có nghĩa gì? Làm gì cũng phải tuân thủ nguyên tắc “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” mới tìm ra được giải pháp hữu hiệu, hài hòa lợi ích công - tư. Như vậy mới hội tụ được lòng dân, được dân tin yêu, ủng hộ”.
Bình luận (0)