Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý và Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, đánh giá áp lực giao thông tại TP sẽ tăng cao trong dịp đi lại cuối năm, đặc biệt ở những tuyến đường cửa ngõ và khu vực xung quanh bến xe, sân bay, bến phà... Để giảm áp lực ở những điểm nóng, Sở GTVT đã xây dựng lộ trình chi tiết, hướng dẫn cho từng loại phương tiện hướng lưu thông.
Dễ dàng xử lý khi gặp sự cố
Trong lộ trình hướng dẫn lưu thông, có đầy đủ các lộ trình từ TP HCM tới các tỉnh phía Bắc, khu vực miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và ngược lại, mỗi khu vực đều có 3 lộ trình lưu thông cụ thể. Riêng cung đường từ TP HCM về các tỉnh miền Tây, được đánh giá là căng thẳng nhất và thực tế qua ghi nhận, dịp Tết năm 2018, kẹt xe xảy ra dày đặc trên Quốc lộ 1 về miền Tây, tập trung tại đoạn qua tỉnh Tiền Giang. Vì vậy, lộ trình giảm ùn tắc ở hướng này được Sở GTVT đưa ra khá chi tiết.
Quốc lộ 1 từ TP HCM về các tỉnh miền Tây và ngược lại liên tục kẹt cứng dịp Tết nguyên đán 2018
Cụ thể, từ TP HCM về các tỉnh miền Tây, các loại xe có thể lưu thông theo 4 lộ trình như sau: Lộ trình 1 (dành cho các loại ôtô): Các tỉnh miền Tây → đường cao tốc TP HCM - Trung Lương → đường dẫn cao tốc → nút giao thông Bình Thuận → Quốc lộ 1 (hoặc trục đường Nguyễn Văn Linh) → đường Võ Văn Kiệt → đường Kinh Dương Vương. Lộ trình 2 (dành cho các loại phương tiện): Quốc lộ 1 (tỉnh Long An) → đường Võ Văn Kiệt → đường Kinh Dương Vương (hoặc đường Nguyễn Văn Linh). Lộ trình 3 (dành cho các loại phương tiện): Thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) → cầu Mỹ Lợi → Quốc lộ 50 → đường Nguyễn Văn Linh; hoặc đường Nguyễn Văn Linh → Quốc lộ 1 → đường Võ Văn Kiệt → đường Kinh Dương Vương. Lộ trình 4 (dành cho các loại phương tiện): Tuyến N2 → Tỉnh lộ 8 → cầu vượt thị trấn Củ Chi → Quốc lộ 22 → trục đường Trường Chinh. "Riêng lộ trình về những khu vực khác, Sở GTVT đã công bố trên website và trang Facebook do sở quản lý. Những nội dung này cũng đã phổ biến đến Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP cùng nhiều doanh nghiệp vận tải đang hoạt động trên địa bàn để tài xế nắm bắt thông tin" - ông Đường nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Tây, với lộ trình trên, năm nay hy vọng cửa ngõ phía Tây, cụ thể là khu vực xung quanh bến xe này và trên Quốc lộ 1, đoạn từ cầu Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) ngược về khu vực đường dẫn cao tốc TP HCM - Trung Lương sẽ không còn cảnh ùn ứ kéo dài. Bởi với 4 lộ trình, các ngành chức năng hoàn toàn có thể chủ động điều tiết xe cộ khi phát sinh sự cố để tránh kẹt xe.
Bên cạnh những lộ trình di chuyển do Sở GTVT đưa ra, ông Kiều Nam Thành, Giám đốc Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), cũng thông tin đã đề xuất lực lượng chức năng địa phương hỗ trợ trong việc giải tỏa kẹt xe và nơi đậu đỗ, nhằm thuận tiện hơn cho điều động phương tiện của bến và các đơn vị kinh doanh vận tải. Bến xe Miền Đông cũng lên phương án phối hợp CSGT cùng Lực lượng TNXP phân luồng, hướng dẫn và điều tiết giao thông trên các tuyến đường xung quanh vào thời gian cao điểm Tết. Trong đó, sẽ đặc biệt chấn chỉnh tình trạng "xe dù", "bến cóc", xe trá hình, chạy sai hành trình nhằm bảo đảm trật tự giao thông.
Cần sự phối hợp của nhiều địa phương
Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM khẳng định đã lên kế hoạch và chuẩn bị các phương án mang tính phòng ngừa để chủ động xử lý khi có tình huống phát sinh. Từ tình hình giao thông ngày thường và dịp Tết những năm trước sẽ là cơ sở để đánh giá mức độ phức tạp ở từng vị trí, từng khu vực cũng như nguyên nhân và thời điểm. Trong đó, CSGT tập trung vào các khu vực trọng điểm như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, các bến xe… để huy động lực lượng chủ động điều tiết, phân làn. CSGT TP cũng cho biết đã xây dựng cơ chế phối hợp giữa CSGT với lực lượng công an trong ngành, lực lượng chức năng địa phương, TNXP..., liên thông giữa các cụm để nhanh chóng phối hợp, điều tiết giao thông, xử lý khi có sự cố.
Theo Sở GTVT TP, vào dịp Tết, kẹt xe dễ xảy ra và còn mang tính chất dây chuyền bởi chỉ một điểm nghẽn cũng có thể làm cả trục đường bị ảnh hưởng. Đơn cử như dịp Tết nguyên đán 2018, kẹt xe xảy ra trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang hôm 25 Tết, đã khiến nhiều xe khách không kịp quay đầu về lại Bến xe Miền Tây, kéo theo bến xe này bị ùn ứ cục bộ, sau đó phải huy động xe tăng cường, lệch tuyến để giải tỏa. Vì vậy, để tránh tái diễn tình trạng này, Sở GTVT cho biết đã đề nghị lực lượng chức năng các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Nai và Bình Dương cùng phối hợp trong việc trao đổi thông tin, cập nhật tình hình và lên phương án điều tiết giao thông, đặc biệt là ở các giao lộ.
Sở GTVT TP HCM cũng đề nghị những địa phương nêu trên lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo hướng dẫn hướng lưu thông, kiểm tra, xử lý tình trạng xe dừng đỗ sai quy định, chở quá số người để hạn chế tối đa ùn tắc giao thông và bảo đảm an toàn. "Các kịch bản trong trường hợp xảy ra sự cố về giao thông như tai nạn, hư hỏng hệ thống hạ tầng giao thông... cũng đã được chuẩn bị để xử lý nhanh nhất" - đại diện Sở GTVT cho biết.
Nhiều tuyến đường đã ken dày xe
Những ngày cuối tháng 12, ghi nhận trên nhiều tuyến đường tại TP HCM cho thấy mật độ phương tiện bắt đầu tăng cao. Đặc biệt, ở những khu vực ra vào các khu cảng như Cát Lái (quận 2), lượng xe đang tăng mạnh. Các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công... luôn ken cứng. "Những lộ trình mà Sở GTVT công bố, chủ yếu là cho các hướng lưu thông ra vào TP HCM, còn tại các điểm thường xuyên kẹt xe như xung quanh cảng Cát Lái thì cần tổ chức chi tiết, rõ ràng hơn để thuận lợi cho doanh nghiệp, tài xế" - ông Lê Văn Thụy, chủ một doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở quận Thủ Đức, kiến nghị.
Bình luận (0)