Tại hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa diễn ra, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Vũ Văn Viện nhấn mạnh với tốc độ phát triển dân số, phương tiện giao thông trên địa bàn TP như hiện nay cùng với việc nhiều công trình giao thông quan trọng đang trong giai đoạn đầu tư, tình hình ùn tắc giao thông (UTGT) vẫn diễn biến phức tạp.
Thu phí để giảm ùn tắc
Đó là lý do TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT cùng thống nhất, kiến nghị Quốc hội bổ sung và ban hành mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện; phí phương tiện xe cơ giới đường bộ vào một số khu vực có nguy cơ UTGT trong Luật Phí và Lệ phí để có cơ sở pháp lý thực hiện.
Trong khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng nhu cầu, người dân vẫn buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 diễn ra ngày 4-7-2017, với 95/96 số đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 04 về đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030". Tiếp đó, ngày 24-8-2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 5953/QĐ-UBND phê duyệt đề án này.
Về giải pháp quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông, Quyết định số 5953/QĐ-UBND giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào, trình UBND TP phê duyệt.
Khó khả thi?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Thân Văn Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cho rằng đi lại là nhu cầu thiết yếu của con người. Trong khi phương tiện công cộng tại Hà Nội chưa đáp ứng được, nếu hạn chế phương tiện cá nhân bằng việc thu phí thì người dân ở những con phố nhỏ, ngõ nhỏ, đi lại bằng cách nào?
"Dù chính quyền muốn áp dụng giải pháp nào, cũng phải bảo đảm nhu cầu đi lại thiết yếu của người dân trước mới tính đến các biện pháp cưỡng chế - như thu phí hay hạn chế xe cá nhân. Đáng lẽ ra phải làm đề án phát triển giao thông công cộng trước khi thông qua đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ" - ông Thanh nói.
Ông Thanh nhấn mạnh việc mong muốn được thu phí xe cơ giới vào khu vực trung tâm TP không chỉ trái với Luật Phí và Lệ phí hiện hành mà thực tế TP HCM cũng đã nghiên cứu và chuẩn bị trước Hà Nội rất lâu nhưng đến nay cũng không thực hiện được.
Anh Nguyễn Văn Thế - một người dân sinh sống ở khu vực Mỹ Đình, làm việc tại quận Hoàn Kiếm - cho rằng việc chính quyền đề ra các giải pháp, trong đó có tính đến việc thu phí để chống UTGT, phải căn cứ theo đúng quy định của pháp luật, phải thuận lòng dân, không thể "chỉ theo ý chí mong muốn của cơ quan quản lý".
"Phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, có những nơi muốn đi xe buýt, người dân phải đi bộ rất xa. Do đó, họ vẫn chọn phương tiện cá nhân để tham gia giao thông, dù có phải trả thêm phí. Như thế, Hà Nội vẫn không giải quyết được bài toán UTGT" - anh Thế phân tích.
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, lại đồng tình khi đánh giá việc thu phí chống UTGT là phương pháp quản lý giao thông rất khoa học và đã được nhiều nước áp dụng.
Tuy nhiên, ông Liên lưu ý ở Việt Nam, để thực hiện được điều này là không đơn giản. Chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền trước khi thực hiện. "Phải xây dựng đề án rồi thông qua HĐND để lấy ý kiến của người dân vì đây là quyền lợi của người dân, họ phải được biết, được đưa ra ý kiến và họ ủng hộ mới có thể làm và phải làm một cách công khai, minh bạch" - ông Liên lưu ý.
Về đề xuất của Hà Nội, một lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá giải pháp này không mới, nhiều nước đã áp dụng. Tuy nhiên, trong Luật Phí và Lệ phí hiện hành không có loại phí này. Vì vậy, Bộ GTVT ghi nhận đề xuất của TP Hà Nội để nghiên cứu trình Chính phủ xem xét. Sau đó, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ, ngành liên quan, Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.
Phải phù hợp quy định của pháp luật
Trong một văn bản ký đầu tháng 4-2018, về việc triển khai một số nhiệm vụ quản lý và xây dựng đề án phí và lệ phí năm 2018, UBND TP Hà Nội cũng đã giao Sở GTVT rà soát các quy định tại Nghị quyết 04 của HĐND TP, báo cáo lãnh đạo TP để trình HĐND sửa đổi cho phù hợp với các quy định mới của pháp luật phí, lệ phí.
Trường hợp cần thiết xây dựng đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường, Sở GTVT tham mưu để TP đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản phí nêu trên làm căn cứ tổ chức thực hiện.
Bình luận (0)