Tại đô thị lớn, nhiều nhà dân không có lối thoát hiểm, chỉ có cửa trước và vì nhiều lý do, mặt trước còn bị tận dụng lắp đặt bảng hiệu, bảng quảng cáo hoặc làm lồng sắt chống trộm nên khi xảy ra hỏa hoạn, người trong nhà bị mắc kẹt. Nguyên nhân gây cháy thường do chập điện, sự cố thiết bị điện hay sơ suất nào đó.
Các cơ quan, công ty, cơ sở lớn thường trang bị bình chữa cháy nhưng nhà dân thì rất hiếm do chủ quan, chưa nghĩ đến tình huống cháy nhà nên không chuẩn bị dụng cụ dập lửa khi vừa mới cháy. Trong khi đó, bình chữa cháy CO2 loại 3 kg, 5 kg hoặc bình bột loại 4 kg không quá to hay cồng kềnh, trọng lượng phù hợp với các thành viên gia đình sử dụng khi có sự cố. Giá mỗi bình chữa cháy kiểu này cũng chỉ dao động từ 200.000 - 500.000 đồng, tiện lợi hơn nữa là có thể đặt mua trực tuyến và có người giao đến tận nhà, hướng dẫn sử dụng.
Theo quy chuẩn ngành xây dựng, giữa các nhà dân phải có khoảng lùi nhằm tạo không gian trống, không chỉ thoát hiểm khi có sự cố xảy ra mà còn để đối lưu gió và thông khí, bố trí hạ tầng kỹ thuật. Thế nhưng, nhiều người đã không quan tâm điều này khi xây nhà. Bởi lẽ, đất nhà phố giá đắt đỏ, diện tích nhỏ, hẹp chiều ngang, xung quanh các căn nhà san sát nhau.
Bên cạnh đó, lo ngại tình trạng trộm cắp, nhà dù có cửa hậu, ban công, lối thoát hiểm nhưng gia chủ còn hàn kín bằng khung sắt và có khi khóa 2-3 lớp. Có gia đình lại tận dụng không gian thoát hiểm làm kho chứa đồ đạc, cho thuê đặt bảng quảng cáo trước mặt tiền nhà.
Hỏa hoạn hiện hữu mọi lúc, mọi nơi, có thể xảy ra chỉ vì một sơ suất nhỏ. Mỗi gia đình nên trang bị sẵn bình chữa cháy trong nhà để chủ động trong các tình huống, tự cứu mình và người thân trong khi chờ ứng cứu từ bên ngoài. Để ngừa trộm cắp, thay vì bịt kín bằng khung sắt, có thể gắn thêm bản lề có khóa để mở khi cần thiết. Nếu cửa thoát hiểm làm bằng kính thì nên trang bị búa, khóa và chốt mở cửa. Căn nhà chưa có lối thoát hiểm có thể mở cửa hậu, trổ cửa sổ, làm cầu thang lên mái, sân thượng.
Các cơ quan chức năng cần giải thích về sự cần thiết, hướng dẫn người xin phép xây dựng công trình hay nhà ở, phòng trọ phải tuân thủ quy định và thể hiện lối thoát hiểm trong hồ sơ thiết kế. Cần phải từ chối các dự án quy hoạch xây dựng thiếu lối thoát hiểm, không hoàn công nếu lối thoát hiểm không bảo đảm thoát nạn. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức từ lý thuyết đến thực hành về phòng cháy, chữa cháy. Tăng cường kiểm tra để kịp phát hiện, cảnh báo, hướng dẫn người dân trong công tác an toàn và cách thoát nạn khi hỏa hoạn, áp dụng biện pháp phòng chống cháy nổ phù hợp.
Bình luận (0)