Mấy hôm nay, thông tin về thẩm phán chủ tọa phiên tòa xuống bắt tay, vỗ vai an ủi bị cáo sau khi phiên tòa vừa kết thúc đã gây nhiều tranh cãi, trong đó nhiều ý kiến cho rằng hành động đó vi phạm quy định pháp luật và quy tắc ứng xử của thẩm phán.
Không làm thay đổi bản án đã tuyên
Vấn đề đầu tiên, đó là cần xác định hành vi này có trái với quy định pháp luật hay quy định của ngành tòa án hay không? Theo tôi là không, thậm chí hành động này là nhân văn. Hình ảnh gây phản cảm, nếu có, thì đó là do chiếc áo thẩm phán khoác trên người, tức thể hiện người đang thực thi công vụ. Tuy nhiên, suy cho cùng thì buổi xét xử kết thúc khi HĐXX công bố bản án đến câu cuối cùng bao gồm cả việc giải thích chế định án treo (nếu có).
Hơn nữa, theo sự nghiên cứu của tôi thì các quy định của ngành tòa án, cụ thể là của thẩm phán tại phiên tòa, không cấm hay hạn chế hành động này. Cụ thể, căn cứ theo Quyết định 87 về Bộ Quy tắc ứng xử và đạo đức của thẩm phán, trong đó có khoản 2, điều 10, chương 3 có quy định những điều thẩm phán không được làm, thì không có nội dung cấm thẩm phán bắt tay bị cáo cả trong và sau khi kết thúc phiên tòa. Hơn nữa, hành động này xảy ra khi ông Trương Việt Toàn đi ngang qua chỗ ngồi của các bị cáo và bị cáo Nguyễn Đức Chung đưa tay ra bắt nên ông đã bắt tay ông Chung kèm với lời động viên.
Nếu suy diễn rằng hành động này chứng tỏ thẩm phán không công minh, nghiêng lệch hay để tình cảm lấn át lý trí khi xét xử là không có cơ sở. Bởi hành động này xảy ra khi việc xét xử đã xong, án đã tuyên, đã chấm dứt phiên tòa xét xử sơ thẩm nên vai trò của từng người trở về vị trí bình thường của họ. Hành động này xảy ra cũng không thể làm thay đổi bất cứ nội dung nào dù là dấu chấm, dấu phẩy trong bản án đã tuyên. Vậy làm sao có thể xác định thẩm phán chủ tọa không công tâm, bị tình cảm xen lẫn lý trí trong quá trình xét xử, không thực hiện đúng vai trò chức trách của người nhân danh nhà nước?
Cũng nói thêm, hiện ông Nguyễn Đức Chung còn liên quan đến vụ án "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Rửa tiền", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại TP Hà Nội, nên trách nhiệm mà ông Nguyễn Đức Chung phải gánh chịu trước pháp luật vẫn còn ở phía trước, chưa kết thúc.
Phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức ChungẢnh: TTXVN
Hãy nhìn ở góc độ tích cực
Chế tài trong vụ án hình sự mang tính nghiêm khắc nhất trong hệ thống pháp luật của nước ta với mục đích trừng trị hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người phạm tội; đồng thời còn răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung cho toàn xã hội. Thẩm phán xét xử là người đóng vai trò trực tiếp vào hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự của một đối tượng cụ thể khi có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Như vậy, vị trí, vai trò của người thẩm phán cũng đồng thời thực hiện chức năng của pháp luật, đặc biệt là chức năng của chế tài pháp luật hình sự. Sau khi tuyên án, thực hiện xong vai trò phán xử của mình, thẩm phán vẫn có thể góp phần thực hiện việc giáo dục, động viên người phạm tội, nếu có điều kiện.
Ở đây, trong hoàn cảnh hẹp, khi di chuyển về nơi phòng làm việc của mình, bị cáo Nguyễn Đức Chung đưa tay ra bắt, thẩm phán Trương Việt Toàn đã cân nhắc để quyết định cuối cùng là đưa tay ra bắt và nói vài câu động viên, trong chừng mực nào đó là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Bản án mà ông ký với vai trò chủ tọa đã được tuyên đọc xong, thể hiện rõ ràng sự buộc tội với các bị cáo, trong đó có Nguyễn Đức Chung. Ông Nguyễn Đức Chung trở thành bị cáo, bị tước đoạt mọi quyền lợi về chính trị nhưng không làm hạn chế quyền con người của ông trong việc được hưởng quyền giáo dục, động viên.
Hành động của thẩm phán Trương Việt Toàn ở góc độ nào đó bị xem là phản cảm, tác động xấu, làm mất đi sự tôn nghiêm của pháp đình. Nhưng nếu đặt trong mục đích giáo dục, động viên để người phạm tội ý thức được sai phạm mà sửa sai, thay đổi ngay trong chính tâm can của họ để biến họ thành một người hoàn thiện trong tương lai thì hành động động viên kia hoàn toàn có thể được nhìn nhận ở góc độ tích cực.
Một sự việc thì luôn có nhiều góc nhìn nhưng đặt trong bối cảnh hoàn chỉnh và trọng tâm cho mục đích chân thiện nhất của con người thì có thể đạt được sự chuẩn xác trong nhận thức về sự công bằng.
Xin đừng quá khắt khe với sai lầm của người khác khi họ đã phải trả giá bằng tù tội. Bởi sai lầm dẫn đến vi phạm pháp luật đã khiến tất cả sự phấn đấu trong cuộc đời của họ đã trở nên vô nghĩa.
Dư luận nói gì?
Theo nhiều bạn đọc, dù nói thế nào cũng khó chấp nhận việc một thẩm phán chủ tọa phiên tòa vừa mới đưa ra phán quyết lại bắt tay, vỗ vai bị cáo còn trong phòng xét xử. Bạn đọc Thiên Khai phân tích: "Khi thẩm phán khoác trên người tấm áo choàng tức là đã nhân danh luật pháp, không còn là tư cách cá nhân nữa. Nếu khi đó thẩm phán Trương Việt Toàn cởi tấm áo ấy ra và xuống bắt tay bị cáo Nguyễn Đức Chung thì còn có thể chấp nhận được, đằng này ông vẫn đang khoác trên người tấm áo công vụ mà làm vậy là vô nguyên tắc...".
Bạn đọc Ba Saigon thì cho rằng: "Có nhiều ý kiến cho rằng hành động của thẩm phán Trương Việt Toàn mang tính nhân văn. Xin hỏi, nếu vậy tuyệt đại đa số thẩm phán không có hành động tương tự thì không có tính nhân văn sao? Có những điều pháp luật không cấm nhưng phải biết giới hạn cho phép trong từng hoàn cảnh để làm".
Một số bạn đọc cho rằng thẩm phán không cần bắt tay, vỗ vai động viên bị cáo, chỉ cần làm đúng chức trách, nhiệm vụ và lương tâm. Một số bạn đọc khác bày tỏ việc này cũng bình thường, quan trọng là trong án có oan sai, có bỏ lọt tội phạm, có xử nhẹ hay nặng hơn quy định pháp luật hay không mà thôi.
H.Hiếu ghi
Bình luận (0)