"Chúng tôi cung cấp cho tòa án 2 giấy vay tiền hoàn chỉnh, không tờ nào bị gạch xóa. Vậy mà nằm trong sự quản lý của tòa án một thời gian, một tờ giấy vay nợ lại hư hại đến mức không thể tin nổi" - bà Đỗ Thị Hồng Nga (ngụ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bức xúc phản ánh về sự cố trong vụ kiện dân sự mà gia đình bà là nguyên đơn.
Bị gạch xóa sau khi tòa cất giữ
Bà Nga kể đầu năm 2016, gia đình bà khởi kiện vợ chồng bà Lưu Thị Lan và ông Phạm Đức Thỏa (ngụ TP Bảo Lộc) để đòi khoản nợ 973 triệu đồng. Bà Nga gặp ông Nguyễn Viết Xuân, thẩm phán Tòa Dân sự - TAND TP Bảo Lộc, nộp bản chính 2 tờ giấy vay tiền có chữ ký hai bên. Bà Đoàn Thị Anh Đào, thư ký Tòa Dân sự, đã lập biên bản giao nhận chứng cứ; trong đó có bản chính hai tờ giấy vay tiền (lập ngày 13-9 và 5-10-2012).
Suốt thời gian qua, bà Đỗ Thị Hồng Nga miệt mài "gõ cửa" khắp nơi với mong muốn làm rõ việc ai là người phải chịu trách nhiệmẢnh: Di Lâm
Tháng 7-2016, HĐXX triệu tập các bên. Tại buổi làm việc, HĐXX thông báo về việc thay thẩm phán, thư ký giải quyết vụ kiện. Không chỉ vậy, bà Nga còn bất ngờ nhận tin chứng cứ mấu chốt trong vụ án - tờ giấy ghi nợ có dấu gạch xóa. "Sự cố này khiến vụ kiện không thể có hồi kết. Vậy là, chúng tôi không thể đòi nợ. Thấy chứng cứ không còn giá trị pháp lý nên chúng tôi đành rút đơn kiện. Tôi khiếu nại và yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, đến nay sự việc chưa ngã ngũ. Dù TAND TP Bảo Lộc có động thái xử lý vụ việc nhưng chúng tôi vẫn không rõ ai ở tòa án có trách nhiệm với sai sót nghiêm trọng này" - bà Nga bất bình.
Nhận thấy sự việc có dấu hiệu hình sự, cơ quan công an vào cuộc. Kết quả điều tra xác định ngày 25-5-2016, người bảo vệ quyền lợi bị đơn (vợ chồng bà Lan) là luật sư Đặng Văn Tịnh đến tòa làm đơn xin sao chụp hồ sơ. Xong việc, luật sư trả lại hồ sơ gốc cho thư ký Đào. Mãi đến ngày 13-6-2016, thẩm phán Xuân mới phát hiện có dấu bút bi gạch xóa trên một tờ giấy nợ. Tuy nhiên, do không đủ căn cứ xác định thủ phạm gạch xóa tờ giấy, Cơ quan CSĐT Công an TP Bảo Lộc kết luận: "Chưa đủ căn cứ để khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự".
Không thể để dân gánh hậu quả
TAND TP Bảo Lộc nhìn nhận người dân tố cáo đúng sự thật. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không có căn cứ cho rằng thẩm phán Nguyễn Viết Xuân và thư ký Đoàn Thị Anh Đào là người gạch xóa chứng cứ. Do đó, bà Nga chưa đủ cơ sở yêu cầu 2 cán bộ trên bồi thường thiệt hại.
Trong văn bản trả lời khiếu nại, chánh án TAND TP Bảo Lộc từng khẳng định tòa án sẽ xem xét trách nhiệm thẩm phán, thư ký và xử lý theo luật định. Dù vậy, đến nay, cơ quan này chưa công khai bất kỳ thông báo nào liên quan đến việc xử lý thẩm phán, thư ký tắc trách.
Trao đổi với phóng viên, Chánh án TAND TP Bảo Lộc Nguyễn Khắc Quảng cho rằng: "TAND TP Bảo Lộc đã giải quyết vụ việc thỏa đáng từ năm 2016. Do nguyên đơn tiếp tục khiếu nại nên chúng tôi chuyển hồ sơ lên TAND tỉnh Lâm Đồng thụ lý và giải quyết theo đúng thẩm quyền". Về việc xử lý tập thể, cá nhân tắc trách, ông Quảng từ chối trả lời.
Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP HCM, phân tích trách nhiệm thuộc về tòa án khi không bảo quản tốt chứng cứ do nguyên đơn cung cấp. Trong trường hợp này, đây là chứng cứ chủ yếu để yêu cầu bị đơn trả tiền nhưng chứng cứ này không thể sử dụng do bị gạch xóa, nguyên đơn không còn chứng cứ tài liệu có giá trị pháp lý để khởi kiện. Nói cách khác, sự cố này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên. "Vì thế, dù chưa tìm ra người thực hiện hành vi gạch xóa chứng cứ thì TAND TP Bảo Lộc vẫn phải có trách nhiệm. Không thể để người dân gánh hậu quả từ sai sót của cơ quan hành pháp" - luật sư nhận định.
7 nét gạch xóa
Kết quả giám định chỉ rõ tờ giấy vay tiền bị gạch xóa 7 nét mực bằng bút bi nhưng loại mực của 7 nét gạch xóa khác với loại mực luật sư Đặng Văn Tịnh viết trong đơn xin sao chụp hồ sơ. Cơ quan giám định không xác minh được 7 nét mực trên xuất hiện vào khoảng thời gian nào, cũng như có phải do 2 bút bi gắn trên bàn làm việc tạo ra hay không.
Bình luận (0)