Các con như cây non cần một không gian an toàn, lành mạnh để lớn khôn, trưởng thành. Những mầm xanh ấy cần lắm bàn tay, khối óc và tấm lòng của người lớn vun xới, tưới tắm bằng yêu thương, quan tâm, bảo bọc, định hướng, dạy dỗ...
Tiếc thay, chúng ta vẫn luôn phải đón nhận biết bao tin dữ về những cái chết tức tưởi, những vụ xâm hại đớn đau, những màn hành hạ tàn nhẫn dội bi kịch xuống thân thể bé con.
Một bé gái 5 tuổi bị kẻ thủ ác Phạm Văn Dũng (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bóp cổ đến chết rồi xâm hại. Một bé gái 2 tuổi ở Bình Thuận bị "yêu râu xanh" Nguyễn Quốc Lâm hiếp dâm. Cháu bé 4 tuổi ở Đắk Nông tử vong sau khi ăn nhầm bả chó hình kẹo mút do bọn trộm chó dùng làm mồi nhử...
Chúng ta nợ trẻ một tuổi thơ an toàn! Điều ấy hiển hiện ngay trong bối cảnh thế giới đang tiến vào thế giới phẳng với công nghệ, tiện ích và văn minh. Điều ấy hiển hiện ngay trong bối cảnh nước ta có đầy đủ hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em, có hơn chục cơ quan chuyên trách bảo vệ trẻ em, có những đường dây nóng chuyên tiếp nhận thông tin trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Quả là chua xót!
Chúng ta đã lơi lỏng ở đâu đó vô tình tạo ra một lỗ hổng đáng tiếc khiến cái xấu và kẻ ác có cơ hội mon men đến gần, gieo rắc đau thương lên số phận những đứa trẻ.
Lỗ hổng ấy có thể đến từ mẹ cha với tâm lý chủ quan, mất cảnh giác đã "giao trứng cho ác". Lỗ hổng ấy có thể đến từ những mái ấm rạn nứt, vụn vỡ, thiếu hụt yêu thương và sự bảo bọc của người lớn dành cho con trẻ. Lỗ hổng ấy có thể xuất phát điểm từ chính thái độ dửng dưng, thiếu quyết liệt của người lớn khi bắt gặp cảnh tréo ngoe, trái đạo lý mà ngoảnh mặt làm ngơ bởi "đó là chuyện thiên hạ", "ai rỗi hơi mà lo chuyện người dưng"...
Bảo vệ trẻ em không nên và hoàn toàn không được dừng lại ở khẩu hiệu, hô hào. Bảo vệ trẻ em cần biến thành hành động quyết liệt, dứt khoát từ chính mẹ cha và tất cả chúng ta - những người dưng nặng lòng với tuổi thơ của trẻ. Chúng ta đang nợ trẻ một tuổi thơ an toàn, xin hãy nhớ điều đó!
Bình luận (0)