Nhiều lần cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum đi công tác cơ sở, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum, chúng tôi vẫn nghe bà con kể về những chuyện mà đoàn từ thiện Thiện Tâm - An Lạc (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã làm để giúp đỡ họ.
Chị Trương Thị Nhung trao quà cho người nghèo ở xã Đăk Cấm, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum
Năng động trong việc tạo quỹ
Trưởng đoàn từ thiện này là chị Trương Thị Nhung, nhiều người gọi là "chị Nhung từ thiện" - thành viên Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh Kon Tum.
Gặp chúng tôi, chị Nhung cho biết do có thời gian tham gia công tác xã hội ở khu dân cư, tận mắt thấy nhiều hoàn cảnh, nhiều chị em hội viên phụ nữ đông con, việc làm không ổn định, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ ấm vào mùa lạnh, nên chị cứ suy nghĩ mãi là phải làm gì để giúp đỡ họ.
Thế là vào năm 2015, Nhung vận động chị em trong chi hội phụ nữ mà chị tham gia sinh hoạt, cùng bạn bè thành lập đoàn từ thiện Thiện Tâm - An Lạc với 15 thành viên, nay đã có 27 thành viên. Cá nhân nào có phẩm chất đạo đức tốt, giàu lòng nhân ái, có tinh thần trách nhiệm cao trong việc thiện nguyện thì không kể nam hay nữ, đều được xem xét để kết nạp vào đoàn. Ban đầu thì đoàn tập trung giúp đỡ các em nhỏ mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, người già, người khuyết tật, người có thu nhập thấp.
Chị Nhung nhớ dạo đoàn mới thành lập chưa bao lâu thì đúng dịp Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thắng Lợi (TP Kon Tum) phát động phong trào ủng hộ hội viên nghèo. Bấy giờ, mọi thành viên của đoàn bàn với nhau phải quyết tâm tham gia thật tích cực. Vậy là tùy hảo tâm của mỗi người để góp tiền, quần áo đã qua sử dụng, gạo, mì tôm, ngày công rồi cùng nhau tổ chức thu gom phế liệu, giấy vụn... để bán tạo quỹ.
Việc thu gom phế liệu tuy không mang lại giá trị kinh tế lớn nhưng tích tiểu thành đại. Bởi vậy, các thành viên của đoàn bất chấp thời gian và chặng đường phải thu gom trong hay ngoài TP Kon Tum, hễ nghe nhà nào có phế liệu loại bỏ là đoàn cử thành viên có mặt ngay.
Chưa hết, dù nắng hay mưa, các thành viên trong đoàn vẫn đều đặn đến tận các nhà vườn trái cây trên địa bàn để tìm mua trái cây sạch, mùa nào thức đó. Nhờ vậy, mỗi tuần vào ngày thứ năm và chủ nhật, đoàn tổ chức bán các loại trái cây gây quỹ.
Vậy mà cái năm đầu tiên đang rất khó khăn đó, rốt cuộc ai cũng phấn khởi vì đoàn đã tặng được 10 triệu đồng để góp vào việc xây dựng "Mái ấm tình thương" cho hộ chị Y Guych tại thôn Kon Tum Kơ Pơng, tặng 2 con bò giống cho 2 hộ nghèo ở thôn Kon Klor, vận động ủng hộ gần 6 triệu đồng xây dựng nhà rông Kon Rơ Wang; ủng hộ 1 tạ gạo nếp để gói bánh chưng xanh tặng các hộ nghèo tại 3 làng của bà con dân tộc thiểu số ở phường Thắng Lợi.
Nhanh chóng lan tỏa
Tinh thần hoạt động tích cực của các thành viên trong đoàn đã nhanh chóng lan tỏa.
Nhiều cô bác là cán bộ hưu trí, có người buôn bán, rồi cả các anh chị em bán vé số, chủ tiệm bánh mì, chủ buôn bán phế liệu, công nhân làm việc ở các công ty giày da tại TP HCM cũng nhiệt tình ủng hộ thêm, nên dịp đó đoàn còn giúp được cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum một máy năng lượng mặt trời trị giá 7 triệu đồng.
Sau này, khi kinh phí đã dồi dào hơn, đoàn tổ chức nhiều đợt nấu cháo dinh dưỡng tặng bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum; tặng quà cho các cháu vùng sâu, vùng xa; cứu trợ bà con vùng bão lũ...
Riêng từ năm 2020 đến nay, đoàn đã phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum để tổ chức 54 hành trình với những hoạt động yêu thương, như thăm, tặng quà, tặng suất ăn cho các cơ sở nuôi dưỡng, điểm thôn, hộ gia đình, các em nhỏ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại: Cơ sở Vinh Sơn 2, 4; Mái ấm tình thương xã Đăk Năng (TP Kon Tum); thăm các đối tượng bị ung thư ở các huyện: Đăk Hà, Ngọc Hồi và TP Kon Tum... với tổng trị giá hàng quà trên 900 triệu đồng.
Đặc biệt, trước những tác động to lớn của dịch Covid-19, đoàn đã huy động vải để may 15.529 chiếc khẩu trang, trị giá trên 108 triệu đồng, tặng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Kon Tum.
Chị Trần Thị Hạnh (37 tuổi; ngụ phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum) kể vợ chồng chị đều là người khiếm thị nên trong cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Thấy được nỗi khổ của gia đình chị Hạnh, các thành viên ở đoàn từ thiện Thiện Tâm - An Lạc đã vận động những nhà hảo tâm giúp đỡ một giếng nước, rồi trang bị luôn máy bơm, trị giá trên 20 triệu đồng.
"Nhờ có giếng nước nên gia đình tôi sinh hoạt rất thuận tiện, đồng thời trồng thêm các loại rau cải thiện cuộc sống. Hiện nay, chị Nhung còn thu mua toàn bộ số giá đỗ của tôi làm ra với giá thị trường. Chị Nhung và các anh chị ở đoàn từ thiện Thiện Tâm - An Lạc đã giúp những người khuyết tật như chúng tôi bớt khổ" - chị Hạnh xúc động.
Chị Trương Thị Nhung trao quà cho trẻ em Trường Mầm non Tuổi Hồng ở xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum
Trải nghiệm thêm nhiều điều hay
Bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thắng Lợi (TP Kon Tum), cho biết khi thấy 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số ở phường có nhiều học sinh là con hộ nghèo phải nhịn ăn sáng đến lớp, chị Nhung đã bàn với hội thành lập 3 tủ bánh mì để giúp các cháu. Vậy là từ năm 2016 đến nay, 3 tủ bánh mì với 200 ổ/ngày của đoàn từ thiện Thiện Tâm - An Lạc đã hoạt động rất tốt tại các trường: Mầm non Hoa Ngọc Lan, Tiểu học Đoàn Thị Điểm (làng Yang Roong, xã Đăk Cấm), Tiểu học Triệu Thị Trinh của phường Thắng Lợi.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh Kon Tum, qua 6 năm hoạt động, từ năm 2015 đến 2021, tổng giá trị các phần quà do đoàn từ thiện Thiện Tâm - An Lạc đã ủng hộ đồng bào nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum là hơn 3 tỉ đồng. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc chia sẻ những khó khăn, vất vả của những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ; lan tỏa sự yêu thương, đùm bọc, đúng với tinh thần "chung tay vì cộng đồng". "Phương châm "Thiện Tâm - An Lạc" của đoàn đã thể hiện truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta. Đồng thời, giúp các thành viên của đoàn được rèn luyện, trải nghiệm thêm nhiều điều hay, học hỏi thêm nhiều điều tốt đẹp, có thêm động lực học tập, rèn luyện, phấn đấu, cống hiến vì một tương lai tốt đẹp hơn" - bà Ánh chia sẻ.
Nhờ những đóng góp đó, chị Trương Thị Nhung được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nhân đạo, từ thiện của tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cũng đang đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng bằng khen cho những đóng góp này của chị Trương Thị Nhung.
Làm bằng cái tâm của mình
"Họ làm từ thiện với tất cả cái tâm của mình, không có bất kỳ lợi ích cá nhân hay một chút đãi ngộ gì. Những thành viên trong đoàn là người dân bình thường, cán bộ, công nhân viên chức công tác ở nhiều lĩnh vực trong xã hội nhưng đều có chung ý nghĩ muốn làm việc thiện để giúp đỡ những người khác khó khăn hơn nên hợp sức đồng lòng, tranh thủ thời gian nghỉ để đi gom phế liệu, bán trái cây gây quỹ và huy động quỹ từ chính các thành viên trong đoàn cũng như các nhà hảo tâm để đi làm việc thiện, mong cho xã hội của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn" - bà Nguyễn Thị Ánh nhận xét.
Bình luận (0)