Tháng 8-2021, từ giữa tâm dịch, tôi có một bài viết kể về thực tế cấp cứu cho bệnh nhân bị COVID-19 nặng. Bài đó được truyền thông đăng lại và rất nhanh nhận được cơn mưa lời khen tặng cảm ơn từ người đọc.
Tháng 8-2022, kỷ niệm 1 năm trận đại dịch khủng khiếp, tôi có một bài tưởng nhớ, cũng được đăng lại trên chính báo đó thì nhận lượt like và comment bằng một phần tư so với bài trước đó 1 năm.
Quy luật tâm lý tự nhiên
Điều đó phản ánh xã hội cũng như ngành y đã bội thực với lời khen. Có thể những lời khen ngợi, cảm ơn ngành y trước kia là thật, xuất phát từ đáy lòng. Trong lịch sử của ngành y, chưa bao giờ nhận được nhiều lời khen ngợi đến vậy. Những mỹ từ đẹp đẽ nhất, những cấp độ so sánh cao nhất đều được dùng cho ngành y. Tưởng chừng như ngành y là thiên thần, cứu nhân độ thế hết cả rồi.
Ngành y lúc đó có xứng đáng với lời khen đó không? Xứng đáng. Vì khi đó xã hội phải đương đầu với một căn bệnh bí hiểm, có thể gây chết người bất kỳ lúc nào. Cả xã hội phải cách ly nhau. Người có bệnh càng cần phải cách ly tuyệt đối. Thế mà nhân viên y tế lại phải lăn xả vào những nơi nguy hiểm đó để làm việc. Vậy nên sự ngưỡng mộ, sự cảm phục mà xã hội dành cho ngành y nó bật ra một cách tự nhiên, như trong tiềm thức ta vẫn mong những người anh hùng xuất hiện đúng lúc.
Thế nhưng, cái gì quá cũng không tốt. Cơn mưa lời khen làm bội thực sức chứa của xã hội, làm bội thực ngay những người vừa thốt ra lời khen. Anh khen, tôi khen, tất cả cùng khen thì tự nhiên lời khen đó như bỗng trở nên sáo rỗng. Đây là quy luật tâm lý tự nhiên của con người, quy luật giữ thăng bằng của hệ thần kinh. Sau cơn hưng phấn, tiếp theo sẽ là giai đoạn ức chế. Sau cơn vui sẽ là khoảng trống mênh mang…
Sau cơn mưa lời khen, bỗng xã hội nhìn ngành y một cách khác lạ. Đây là quy luật chung cả thế giới đã trải qua, không riêng gì Việt Nam. Ở Mỹ và châu Âu, có nhiều báo cáo về bạo hành với nhân viên y tế sau đại dịch. Nhiều nhân viên y tế nói rằng sau khi được ca ngợi như những người anh hùng thì giờ đây, sau đại dịch, họ bị đối xử khắt khe hơn, thiếu công bằng hơn. Như thể nhân viên y tế phải chịu trách nhiệm về đại dịch hoặc gợi lại ký ức không mấy dễ chịu.
Ở Việt Nam, trước đại dịch, ngành y đầy rẫy khuyết điểm, thiếu sót nhưng cũng không nhiều hơn các ngành khác. Khi trong đại dịch, họ được ca ngợi như những thiên thần. Dịch bệnh lắng xuống, cuộc sống dần trở lại bình thường, ánh hào quang tan đi, những thiếu sót, khuyết điểm cũ lại hiện ra như cũ. Nhưng lúc này, xã hội lại nhìn những sai sót, khuyết điểm đó bằng đôi mắt nghiêm khắc hơn trước bội phần.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn trong đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP HCM Ảnh: HẢI YẾN
Nhân viên y tế cũng là con người
Trên đây tôi vừa thử lý giải động cơ tâm lý ẩn giấu sau những ồn ào mà ngành y phải chịu trong thời gian qua. Cái động cơ tâm lý này âm thầm, chi phối hành động của đám đông một cách vô thức, ít người để ý.
Tất nhiên xì-căng-đan của ngành y vừa qua, vụ nào cũng có nguyên nhân cụ thể. Nhân viên ngành y hết sức vui mừng khi các vụ án tham nhũng trong ngành được phát hiện, những người phạm pháp bị trừng phạt. Siết lại pháp luật với ngành y là việc những nhân viên chân chính trong ngành mong mỏi từ lâu. Phải nói ra là những cá nhân phạm pháp kia không đại diện cho ngành y, họ chỉ là những con sâu làm xấu ngành y. Việc loại bỏ những con sâu ấy làm ngành y trong sạch hơn, tốt lên.
Tuy nhiên, tâm lý đám đông chán ghét ngành y sau đại dịch lại cộng hưởng với các vụ kỷ luật, bắt giam đó mà gán ghép cho ngành y nhiều điều hơn. Bây giờ xã hội nhìn vào ngành y thấy cái gì cũng xấu. Đã bắt đầu xuất hiện trên truyền thông tâm lý "truy bức" nhân viên y tế. Từ chuyện nhân viên y tế tranh thủ đi làm thêm đến chuyện nhân viên y tế có người không cho con tiêm vắc-xin…
Nhân viên y tế cũng là con người. Tự nhiên bị đưa lên thành thiên thần, họ không hề muốn. Bây giờ tự nhiên bị gán hết phần xấu của thiên hạ, họ cũng không thể chịu đựng được. Khác xa với cảnh cam chịu của các thế hệ trước, các nhân viên y tế hiện nay đã sống thực tế và công bằng hơn. Ở đâu thật sự quan tâm đến họ thì họ đến, còn những nơi đâu chỉ xã giao đầu môi chót lưỡi, họ sẽ đi.
Nếu tâm lý xã hội vẫn mãi cư xử theo tâm lý đám đông thì người sau cùng bị thiệt hại là người dân. Nhiều người chạy theo tâm lý đám đông tưởng chừng như đang vì dân thật ra là đang hại dân.
Chỉ đau đáu việc cứu người
Tôi nghĩ vụ Việt Á hay sự cố "rắn ngậm phong bì" vẫn không làm mất đi hình ảnh đẹp và đáng kính của y - bác sĩ trong mắt mọi người. Bởi thực tế hàng chục ngàn nhân viên y tế lao vào tâm dịch, họ chỉ đau đáu một việc là cứu người, làm gì biết đến câu chuyện Việt Á!
Chỉ đau đớn là một số quan chức ngành y, cũng là những người thầy, những bác sĩ tài năng với đủ học hàm, học vị..., lại không thuộc bài học y đức. Nhưng cũng từ câu chuyện này, nên xem lại công tác nhân sự ngành y trên 2 lĩnh vực chuyên môn và quản lý.
Chúng ta đã có một Bộ trưởng Bộ Y tế là người ngoài ngành thì cũng có thể có một giám đốc bệnh viện là một CEO chuyên nghiệp. Việc tự chủ tài chính bệnh viện công dẫn đến công việc của giám đốc bệnh viện nặng về quản lý, tính toán kinh tế, tài chính hơn là câu chuyện chuyên môn. Nên chăng có một giám đốc đúng chuyên ngành quản lý để bác sĩ tập trung cho chuyên môn, mọi thứ có lẽ "dễ thở" hơn.
Về câu chuyện "rắn ngậm phong bì", đó là một chuyện bi hài cười ra nước mắt nhưng cũng nhắc nhở nhân viên y tế cố gắng tránh xa thị phi để xứng đáng là "Lương y như từ mẫu".
Thanh Vân
Bình luận (0)