Câu hỏi cũng đặt ra nhiều vấn đề, trách nhiệm cho các lãnh đạo ngành y.
Với tôi, hai chữ "không khỏe" của Bí thư Thành ủy TP HCM hàm chứa nhiều ý nghĩa, vấn đề. Có thể là không khỏe về thể chất nhưng cũng có thể về tinh thần, vật chất, cuộc sống, thậm chí là sự an toàn khi hành nghề.
Một vấn đề đang được dư luận quan tâm là thu nhập của bác sĩ trong hệ thống công lập, từ mức lương cho đến phụ cấp trực, mổ, làm thủ thuật... dường như đã quá lạc hậu; với bác sĩ nội khoa còn "bèo bọt" hơn. Một bác sĩ học 6 năm ra trường, thêm 18 tháng học sơ bộ (chuyên khoa) mới chính thức có bảng lương. Vậy mà mức lương của 7 năm rưỡi miệt mài đó bằng với cử nhân học 4 năm ở các ngành nghề khác là không công bằng. Việc nâng hệ số lương cho bác sĩ cũng như nâng các khoản phụ cấp khác là việc cần làm ngay. Nếu mức lương có thể thống nhất theo chức danh, bằng cấp, học vị... thì mức phụ cấp phải chia ra theo mức độ phục vụ. Một ca mổ hay ca trực ở bệnh viện tuyến tỉnh không thể có phụ cấp như ở bệnh viện tuyến huyện. Với các bệnh viện hạng 1, đặc biệt, chuyên khoa…, sự khác biệt còn phải lớn hơn. Đó là cái giá của công sức lao động, của trình độ, tay nghề, thậm chí là của áp lực.
Tôi đang làm bác sĩ bệnh viện công ở một quốc gia châu Âu. Sự khác biệt lớn nhất là ngoài bảng lương chính thức, bác sĩ không có phụ cấp mổ nhưng với mức lương xứng đáng thì không ai còn nghĩ đến phụ cấp. Riêng với trực thì phụ cấp khá cao và rất rõ ràng. Bác sĩ cột nào sẽ có mức phụ cấp theo cột đó; trực ngày cuối tuần hay ngày nghỉ lễ sẽ có mức phụ cấp cao hơn. Tôi có cảm giác họ đánh giá việc trực như một sự cống hiến đáng đền đáp, còn với ta cứ như là nghĩa vụ!
Tất nhiên so sánh về mặt vật chất với một quốc gia tiên tiến là khập khiễng nhưng về mặt tinh thần, sự quan tâm là không khó và rất cần học hỏi.
Khi tôi chân ướt chân ráo vào bệnh viện được gần 1 năm, trong một đêm trực, tôi và các đồng nghiệp tiếp nhận một sản phụ bị bạo hành rất nặng. Thai nhi đã chết, sản phụ bị đa chấn thương ảnh hưởng cả sọ não. Ít giờ sau sản phụ cũng qua đời. Sáng hôm sau, khi chuẩn bị rời ca trực, bác sĩ trưởng khoa tìm gặp tôi ân cần thăm hỏi. Ông lo tôi bị sốc vì ca bệnh đó và hỏi tôi cần gặp bác sĩ tâm lý hay cần nghỉ ngơi hay không…? Tôi bảo không cần vì sự ân cần, quan tâm đã làm tôi khỏe hẳn.
Nhìn lại các vụ việc nhân viên y tế bị hành hung trong nước, tôi thấy khó chấp nhận và rất chia sẻ với các đồng nghiệp. Ở bệnh viện tôi làm việc, khi thấy có dấu hiệu bất thường, bác sĩ ra hiệu cho thư ký phòng cấp cứu liên hệ cảnh sát ngay và họ thường có mặt rất nhanh. Tôi nghĩ ở Việt Nam, với những ca cấp cứu do đánh nhau, đâm chém, tai nạn giao thông… đều có nguy cơ diễn biến phức tạp, rất cần cảnh báo sớm nhằm bảo vệ an toàn, trước hết là cho lực lượng nhân viên y tế.
Còn rất nhiều việc mà ngành y phải làm nhưng việc tạo dựng một môi trường làm việc thông thoáng, chuyên nghiệp và an toàn cho nhân viên y tế có lẽ là sự chờ mong của mọi người.
Bình luận (0)