Hai tháng nay, anh Trần Hữu Nam (SN 1977; ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM) làm cha kiêm luôn làm mẹ. Thay tã, cho con bú, tắm, giặt… là những công việc Nam chưa từng nghĩ anh sẽ phải một mình đảm đương. Vợ mất, một mình anh phải gánh vác từ việc chăm con đến kinh tế gia đình.
Xa vòng tay mẹ khi mới lọt lòng
Những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quận 12 xuất hiện ngày càng nhiều ca F0, trường tiểu học nơi vợ anh Nam làm giáo viên phải đóng cửa. Anh bàn với vợ về Ninh Thuận, quê anh, để dưỡng thai, tránh dịch. Chị đắn đo rồi quyết định ở lại thành phố.
Tuần cuối thai kỳ, anh đưa vợ đi khám để chuẩn bị sinh. Cũng ngày hôm đó, bác sĩ thông báo chị dương tính với SARS-CoV-2, phải cách ly tập trung.
16 giờ 25 phút, chị được đưa vào khu cách ly tập trung của Bệnh viện Từ Dũ. Nhìn bóng lưng vợ sau cánh cổng bệnh viện, lòng đầy bất an nhưng Nam không thể ngờ đó là khoảnh khắc cuối cùng anh được nhìn thấy vợ.
Chương trình “Tình thương cho em” thăm và hỗ trợ 2 bé B.Y.N, B.Y.Ng Ảnh: LÊ VĨNH
Giữa tháng 8, bệnh chị trở nặng, bác sĩ quyết định mổ bắt con. May mắn, em bé khỏe mạnh. Chị phải thở máy, không thể cho con bú. Cháu bé được 10 ngày tuổi thì chị mất.
Trong căn phòng trọ có giá thuê 2 triệu đồng/tháng ở vùng ven thành phố (Hóc Môn), bàn thờ chị được lập vội tại góc phòng, không bài vị, không di ảnh.
Anh Nam nói từ ngày vợ mất, anh "cố thủ" trong nhà, phần sợ dịch bệnh lây cho con, phần phải dành toàn bộ thời gian chăm con nên chưa thể lập cho vợ bàn thờ tươm tất. Mẹ vợ anh năm nay đã gần 70 tuổi, thương con xót cháu nhưng vì dịch bệnh nên bà chưa thể đến thăm nom.
Giữa những nỗi niềm, lo âu chồng chất đó, số tiền 5 triệu đồng nhận được từ chương trình "Tình thương cho em" của Báo Người Lao Động giúp anh nhẹ gánh phần nào về khoản chi phí thường nhật cho con trong những ngày tới.
"Chăm con thêm ít tháng nữa, tôi định gửi cháu về quê để đi tìm việc. Dịch bệnh nên tôi cũng thất nghiệp lâu rồi. Không biết tình hình bây giờ, lao động tự do như tôi có kiếm việc được không?" - anh Nam lo lắng.
Cuộc chia ly đột ngột
Theo chân cán bộ LĐLĐ quận 12, chương trình "Tình thương cho em" tìm đến phòng trọ của mẹ con chị Trần Như Yến (SN 1981). Căn phòng trọ nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc phường Tân Thới Nhất đóng cửa im ỉm. Ám ảnh dịch bệnh, chị không dám cho các con ra ngoài.
Hai con gái của chị là bé B.Y.N (13 tuổi) và B.Y.Ng (6 tuổi) mất cha do Covid-19.
B.Y.N tròn 13 tuổi, cũng đúng 13 năm vợ chồng chị Yến tha phương kiếm sống. Chị làm công nhân may, anh làm bảo vệ ở công ty kế bên. Đôi vợ chồng chịu thương chịu khó, cả xóm trọ ai cũng biết. Những ngày giữa tháng 8, xóm trọ xuất hiện ca F0.
Không lâu sau, chị và 2 con gái dương tính với SARS-CoV-2, phải đi cách ly tập trung. Hai ngày sau, chồng chị sốt, xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính. Đến khi chị và 2 con hết cách ly trở về nhà thì anh chuyển nặng, được đưa đến khu cách ly để điều trị. Một lần nữa, chị quay lại khu cách ly để chăm sóc chồng, 2 con gái nhờ bà nội lo cơm nước.
Đầu tháng 9, anh yếu dần rồi mất tại khu điều trị. Đau đớn vì sự ra đi đột ngột của chồng nhưng chị nuốt nước mắt, báo tin bình an cho mẹ chồng và 2 con vì sợ mẹ già khó vượt qua cú sốc. Ngày TP HCM nới lỏng giãn cách, chị lặng lẽ dùng hết số tiền chắt chiu của hai vợ chồng đưa tro cốt anh về Tiền Giang để thờ cúng. Ít ngày sau, mẹ chồng về quê, chị mới đau đớn tỏ bày chuyện chồng mất do Covid-19.
Trò chuyện với chúng tôi, bé B.Y.N rơm rớm nước mắt: "Cha đi nhanh lắm, còn không kịp nói lời chào con". Sự ra đi của người cha là mất mát to lớn đối với chị em B.Y.N. Em nói mong muốn lớn nhất của em lúc này là học giỏi để trở thành một luật sư - ước mơ mà ba từng tâm sự với em.
Cảm ơn chương trình "Tình thương cho em" của Báo Người Lao Động, chị Yến nghẹn ngào: "Tội nghiệp tụi nhỏ, nhà nghèo lại mất cha. Giờ tôi chỉ biết cố gắng làm việc để nuôi 2 con. Cảm ơn các nhà hảo tâm và Báo Người Lao Động đã giúp đỡ mẹ con tôi".
Nói lời chào tạm biệt chúng tôi, bé B.Y.N quệt nước mắt thỏ thẻ: "Con cảm ơn các cô, các chú nhiều lắm nhưng con mong không có gia đình nào giống chị em con". Dứt lời, cô bé khóc nghẹn...
Thiết thực, kịp thời
Ngày 12-10, chương trình "Tình thương cho em" đã đến thăm 3 trường hợp, trao 5 triệu đồng/trường hợp.
Ông Nguyễn Hùng, đại diện LĐLĐ quận 12, đánh giá chương trình "Tình thương cho em" rất thiết thực, kịp thời và nhân văn. Nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng, các cháu kém may mắn cảm thấy được an ủi, động viên phần nào.
Bạn đọc có thể tiếp tục đóng góp cho chương trình "Tình thương cho em" bằng các cách sau: Gửi vào tài khoản: 117000004884 tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM, đơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Ðộng, nội dung: Ủng hộ chương trình "Tình thương cho em"; hoặc quyên góp qua ví MoMo (https://page.momoapp.vn/FHWwZCAJOJb) hay ZaloPay, chương trình "Tình thương cho em".
Bình luận (0)