"Làn sóng" Covid-19 lần thứ 4 bùng lên với nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, công tác chống dịch tại Việt Nam nói chung và tại TP HCM nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. "Chống dịch như chống giặc", hơn lúc nào hết, đất nước đang rất cần sự kề vai, sát cánh, san sẻ khó khăn của toàn xã hội.
Chung sức với tuyến đầu
Những ngày đầu dịch bùng lên, hàng trăm, hàng ngàn y, bác sĩ, nhân viên y tế, công an, quân đội… đã không ngần ngại lao vào cuộc chiến, bảo vệ bình yên và sức khỏe cho người dân. Rất nhiều người phải xa gia đình hàng tháng để bám trụ tại các bệnh viện, khu cách ly, điểm phong tỏa hay dọc tuyến biên giới… Dưới thời tiết khắc nghiệt của mùa hè ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM…, những "chiến sĩ" tình nguyện phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi đầm đìa trong nhiều giờ liền để lấy mẫu, truy vết dịch. Có người ngất xỉu vì kiệt sức. Có người phải nén nỗi đau mất cha, mất mẹ, mất đi người thân yêu để ở lại tuyến đầu chống dịch. Có những người lính biên phòng "ăn gió, nằm sương" ngày đêm căng mình bám chốt, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới vừa ra sức phòng chống dịch.
Dẫu biết đây là nghĩa vụ, trách nhiệm của ngành y tế, lực lượng quân đội, vũ trang nhân dân… nhưng sự hy sinh thầm lặng của họ vẫn cần lắm sự thấu hiểu, quan tâm, sẻ chia, chung sức của xã hội và người dân.
Xuất phát từ mệnh lệnh trái tim người làm báo, ngày 5-5-2021, Báo Người Lao Động đã phát động chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" với mục đích kịp thời động viên, hậu thuẫn cho lực lượng tuyến đầu. Chương trình là cầu nối uy tín để mỗi người dân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp có thể chung tay hỗ trợ lực lượng chống dịch tuyến đầu.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động chia sẻ: "Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của người làm báo trong việc cùng cộng đồng chung tay phòng chống dịch Covid-19, Báo Người Lao Động đã khẩn trương thực hiện hoạt động mang ý nghĩa xã hội tốt đẹp này. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo bạn đọc gần xa. Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, thậm chí chỉ 10.000 đồng, 20.000 đồng... Song tất cả những tình cảm, những tấm lòng ấy đều hướng đến lực lượng tuyến đầu, mong muốn được chung sức cùng lực lượng phòng chống dịch nên đáng trân trọng như nhau".
Quà của chương trình “Tổ quốc cần, cả nước chung tay” đến với lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh. Ảnh: QUANG LIÊM
Tiếp sức hàng ngàn y - bác sĩ, lực lượng biên phòng
Tính đến ngày 21-6, tổng số tiền bạn đọc, nhà hảo tâm, doanh nghiệp đóng góp cho chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" gần 1 tỉ đồng (bao gồm tiền mặt, chuyển khoản ngân hàng và qua ví MoMo).
Nhìn vào con số đóng góp những ngày qua, cho thấy dù dịch Covid-19 không chừa một ai, một doanh nghiệp nào nhưng trước những khó khăn chung của đất nước, người dân, doanh nghiệp, tổ chức đã ghé vai cùng gánh gồng, san sẻ yêu thương. Ý thức trách nhiệm và những đóng góp thầm lặng của họ, chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" đã ghi nhận và chuyển đến tận tay lực lượng chống dịch tuyến đầu.
Từ những đóng góp này, trong ngày đầu giãn cách xã hội tại TP HCM, chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" đã trao tổng kinh phí và vật phẩm trị giá 500 triệu đồng đến Ủy ban MTTQ TP HCM để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ngay sau đó, chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" đã đến với lực lượng biên phòng biên giới Tây Ninh. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lực lượng biên phòng Tây Ninh phải ngày đêm căng mình kiểm soát các đường mòn, lối mở để kịp thời ngăn chặn các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Mong muốn được tiếp sức, chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" đã đến và trao tận tay lực lượng bộ đội biên phòng địa phương hàng trăm kg gạo, hàng ngàn thùng nhu yếu phẩm, trang thiết bị phòng chống dịch.
Chương trình cũng đã tặng khẩu trang kháng khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn tại các địa điểm bị phong tỏa cho người dân vùng dịch và lực lượng chống dịch ở quận 3, quận 6, quận 12, quận Gò Vấp (TP HCM)...
San sẻ khó khăn với Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" làm cầu nối để Công ty HP Việt Nam - FPT tài trợ 3 bộ máy vi tính, 3 bộ máy in cho lực lượng y - bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện đang nhận nhiệm vụ chống dịch tại Khu cách ly tập trung Ký túc xá khu B, ĐHQG TP HCM. Đồng thời, trao tặng nước sát khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, nước uống đóng chai ICY (Công ty CP Vinamilk) cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Lê Văn Thịnh...
Ông Tô Đình Tuân khẳng định mọi đóng góp của cá nhân, tổ chức, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp cho chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" đều được công khai, minh bạch, rõ ràng và được Báo Người Lao Động sử dụng cho công tác phòng chống dịch Covid-19, bao gồm hỗ trợ trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm để bảo vệ thầy thuốc và các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang ngày đêm căng mình bảo vệ tuyến biên giới, hỗ trợ người nhiễm và nghi nhiễm phải cách ly...
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM PHẠM PHƯƠNG THẢO:
Vì bạn đọc, vì người dân
Cả nước đang gồng mình phòng chống dịch Covid-19; đặc biệt ở TP HCM, dịch đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều ca nhiễm mới, nhiều khu vực bị phong tỏa. Vì vậy, chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" hỗ trợ lực lượng y - bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch do Báo Người Lao Động tổ chức và đang triển khai rất thiết thực, kịp thời. Thông qua lời kêu gọi của Báo Người Lao Động, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ chương trình và chương trình cũng đã chuyển những nguồn lực ủng hộ đến những tuyến đầu chống dịch.
Báo Người Lao Động cũng làm tốt công tác tổ chức, thực hiện khi chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" đã vận động, kêu gọi bằng nhiều hình thức rất lan tỏa, làm tới nơi tới chốn. Các cá nhân, tổ chức tin tưởng, ủng hộ chương trình vì cách làm công khai, minh bạch của Báo Người Lao Động.
Trong thời gian qua, Báo Người Lao Động đã thực hiện nhiều chương trình sau mặt báo vì cộng đồng nói chung và công tác phòng chống dịch Covid-19 nói riêng. Qua đó, có thể thấy Báo Người Lao Động không chỉ thông tin, tuyên truyền, phản ánh mà còn nhập cuộc, dấn thân, lăn xả với những vấn đề thời sự, những vấn đề "nóng" đang diễn ra. Báo Người Lao Động làm những việc này với tấm lòng vì bạn đọc, vì người dân nên rất ý nghĩa. Từ đó, báo đã khẳng định vị thế và uy tín của mình trong thực hiện các chương trình vì cộng đồng, xã hội.
Tôi tin tưởng chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" mà Báo Người Lao Động đang triển khai sẽ thành công và tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân.
Phan Anh ghi
Bình luận (0)