"Cố lên cả nước", "Việt Nam chiến thắng đại dịch", "Yêu lắm quê hương tôi", "Xin đóng góp chút tấm lòng và thật nhiều yêu thương cho tuyến đầu chống dịch"..., là một vài trong số gần 3.000 lời nhắn mà cộng đồng nhà hảo tâm gửi gắm qua ứng dụng ví điện tử MoMo đến chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay". Hơn nửa tháng qua, hàng vạn trái tim đã hòa nhịp cùng lời kêu gọi "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" một cách sôi nổi, nhiệt tình và đáng trân quý như thế.
Chương trình uy tín, thiết thực, ý nghĩa
Nhân dân ta có truyền thống tương thân tương ái, lối sống nhân văn, nghĩa tình. Ở giai đoạn nào trong lịch sử, tình dân tộc, nghĩa đồng bào cũng được biểu hiện cụ thể, sinh động; làm nên sức mạnh gắn kết khối đại đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Những ngày qua, các quyết sách với quyết tâm "chống dịch như chống giặc" đã được toàn dân hưởng ứng, từ việc giãn cách xã hội, nghiêm túc tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế đến việc đồng thuận và chia sẻ trách nhiệm xã hội cùng Chính phủ. Giữa thời điểm đầy thách thức bởi làn sóng dịch Covid-19, chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" của Báo Người Lao Động được phát động thật sự kịp thời, đúng lúc, để tinh thần đoàn kết, đồng lòng của dân tộc càng được lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng.
Là một trong những người nhiệt tình đóng góp cho chương trình và còn chia sẻ thông tin đến bè bạn, đồng nghiệp, chị Phan Thị Kim Oanh (TP Thủ Đức, TP HCM) xúc động bày tỏ: "Chương trình với tên gọi "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" nghe như một lời hiệu triệu, lay động trái tim bất kỳ người Việt Nam nào, vừa cho thấy tính cấp bách cần thực hiện ngay, vừa làm nổi bật ý nghĩa của việc huy động sức mạnh toàn dân vào công cuộc chống dịch".
Với anh Trung Hiếu, một nhân viên văn phòng ở quận 1 (TP HCM), thì chương trình là cơ hội cho anh thực hiện điều mong muốn của mình ngay từ đầu mùa dịch. Anh cho biết: "Theo dõi tin tức hằng ngày, nhìn thấy nhiều vất vả của lực lượng chống dịch, tôi đã canh cánh nỗi niềm muốn làm gì đó. Ngay khi biết đến chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" của Báo Người Lao Động, tôi đóng góp ngay vì Báo Người Lao Động là một địa chỉ uy tín đã từng thực hiện rất nhiều hoạt động vì cộng đồng". Còn chị Quỳnh My (quận Bình Thạnh, TP HCM) thì được nhiều cụ già, em bé trong xóm "ủy quyền" chuyển tiền giúp khi chưa biết cách dùng các ứng dụng thông minh. Với chị My, đó là việc làm có ích, dù nhỏ cũng đã mang đến cho chị niềm vui thật sự.
Các y - bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm ở quận Gò Vấp, TP HCMẢnh: Nguyễn Thạnh
Cùng nhau lan tỏa thông điệp tốt đẹp
Thông qua hình thức quyên góp tiện lợi, nhanh chóng và đáng tin cậy là ví điện tử MoMo, bạn đọc khắp nơi đã ủng hộ cho chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" không chỉ vật chất mà còn là những giá trị tinh thần đáng quý. Đó là những lời nhắn gửi, động viên chân thành đến lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đó còn là niềm tin vững chắc Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch.
Nhiều nhất trong số các thông điệp là 2 từ "Cảm ơn" kèm theo nhiều trái tim nhỏ xinh chuyển tải yêu thương từ các nhà hảo tâm: "Cảm ơn các y - bác sĩ không quản ngại khó khăn vì sự bình an của nhân dân", "Cảm ơn những nỗ lực của Chính phủ", "Cảm ơn quý báo đã tổ chức chương trình", "Cảm ơn những anh hùng tuyến đầu chống dịch"...
Cũng vì thế, "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" không chỉ là một chương trình quyên góp từ thiện xã hội đơn thuần mà còn là cầu nối để những tấm lòng muôn nơi được giao nhau, cùng nhìn về một hướng đồng tâm chiến thắng đại dịch mà còn là minh chứng cho thấy khi việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được triển khai kịp thời, thiết thực, hiệu quả, có tầm bao quát, công khai, minh bạch thì sẽ được hưởng ứng; thúc đẩy tinh thần tương thân tương ái càng sôi nổi, lan tỏa sâu rộng.
Nói về chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay", ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, bày tỏ: "Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của người làm báo trong việc cùng cộng đồng chung tay phòng chống dịch Covid-19, Báo Người Lao Động đã khẩn trương thực hiện hoạt động mang ý nghĩa xã hội tốt đẹp này. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo bạn đọc gần xa. Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, thậm chí chỉ 10.000 đồng, 20.000 đồng... song tất cả những tình cảm, những tấm lòng ấy đều đáng trân trọng như nhau. Mọi đóng góp đều được công khai minh bạch, rõ ràng, sử dụng đúng mục đích. Toàn bộ sự đóng góp của cá nhân, tổ chức, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp... sẽ được Báo Người Lao Động sử dụng cho công tác phòng chống dịch Covid-19, bao gồm hỗ trợ trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm để bảo vệ thầy thuốc và các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang ngày đêm căng mình bảo vệ tuyến biên giới, hỗ trợ người nhiễm và nghi nhiễm phải cách ly...".
Hướng về tuyến đầu chống dịch
Tính từ ngày 5-5 đến 4-6-2021, tài khoản Báo Người Lao Động đã nhận được 81.040.125 đồng ủng hộ chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay".
Ngoài ra, thông qua ví MoMo, chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" đã nhận được 717.124.759 đồng với 19.848 lượt quyên góp (tính từ ngày 17-5 đến 17 giờ ngày 4-6).
Báo Người Lao Động cùng ví MoMo tiếp tục tiếp nhận đóng góp của các nhà hảo tâm cho chương trình tại: https://momoapp.page.link/FUrcZv5DaK29X5xw5
Hoặc gửi về tài khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM, số tài khoản: 117000004884, đơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Động. Nội dung: Ủng hộ chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay". Danh sách tổ chức, cá nhân hỗ trợ chương trình được đăng chi tiết trên ví MoMo và Báo Người Lao Động.
Trân trọng cảm ơn!
Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch
Từ ngày 1-6, Báo Người Lao Động phát động chương trình "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" nhằm hỗ trợ cho người lao động nghèo, người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh trong những ngày giãn cách xã hội.
Mỗi cá nhân, tổ chức có thể đóng góp thực phẩm (gạo, xúc xích, đồ hộp, trứng...) và tiền mặt tại trụ sở Báo Người Lao Động (127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM); hoặc chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM, số tài khoản: 117000004884, đơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Động. Nội dung: Ủng hộ chương trình "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch". Báo Người Lao Động sẽ tiếp nhận và làm cầu nối chuyển đến địa chỉ các nhóm, hộ người nghèo ở các địa phương trong thành phố trong thời gian giãn cách.
Bình luận (0)