Làng Gia Hội của xã Bình Thanh nằm sâu trong bìa núi trên trục đường nối giữa Đông - Tây huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Làng qua chiến tranh chỉ 52 nóc nhà nhưng có đến 48 liệt sĩ, 10 thương bệnh binh và 15 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Chòm xóm mỗi người một tay
Gia Hội tự hào có cụ Tống Văn Chi, 92 tuổi đời và 72 tuổi Đảng. Chiến tranh, cụ đi tập kết, công tác ở lực lượng tăng - thiết giáp, chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị năm 1972. Sau chiến tranh, cụ động viên vợ đưa con cái từ Hà Nội về làng.
"Hồi đó, tôi nghỉ hưu. Thiếu người nên làng động viên tôi về tham gia công tác cơ sở. Nhận lời thôi. Đi làm công tác, tôi càng hiểu quê mình và người làng" - cụ bộc bạch.
Ở Gia Hội những năm hậu chiến, muốn xây ngôi nhà thì dân phải mỗi năm cố gắng mua vài ba thiên gạch để đó, chừng nào đủ mới làm. Khi mở móng làm nhà thì chòm xóm đến giúp. Ngày mùa thì vần đổi công cho nhau thu hoạch. Đối với những gia đình quá neo người, chòm xóm mỗi người một tay cả công cấy cày, chăm bón, thu hoạch. Giúp nhiều năm thành quen nên mới có chuyện nhà ai cũng biết, cũng như nhà mình.
Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi để cuộc sống khá hơn là chưa đủ. Cụ Chi đưa tôi theo đường làng đi về phía Đông chừng non 100 m, đến đập Gia Hội. Từ đây, nước theo dòng kênh về trước nhà cụ rồi ra cánh đồng làng.
Gia Hội yên bình trong nắng tháng 4
Cụ kể: "Thấy làng khổ quá, huyện Bình Sơn huy động nhân lực ở các xã trong huyện đắp đập Gia Hội, rồi sau đó đầu tư 700 triệu đồng xây dựng tuyến kênh dài 1,6 km này cho dân có nước tưới. Nhờ đó, người dân mới có điều kiện chuyển đổi mùa vụ, đưa giống mới vào cày cấy, năng suất lúa mới cao".
Mà phải đâu chỉ xây dựng đập Gia Hội, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thanh Nguyễn Thị Tuyết cho biết trong năm 2018-2019, nằm trong chương trình nghĩa tình với Gia Hội, huyện Bình Sơn đã đầu tư xây dựng đường giao thông, huy động Tỉnh đoàn Quảng Ngãi xây dựng đường điện thắp sáng 100 triệu đồng, nên đêm về xóm làng bừng ánh điện. Sau đó, Huyện đoàn Bình Sơn đầu tư làm con đường hoa trong làng, trị giá 70 triệu đồng. Cái hay ở Gia Hội là khi làm giao thông nông thôn, chẳng ai bảo ai, quy hoạch đường phạm vào đất của nhà nào là họ hiến ngay, nhờ vậy mà diện mạo xóm làng thay đổi rất nhanh.
Nương tựa vào nhau
Anh Đỗ Văn Tính, Trưởng làng Gia Hội, có cha là liệt sĩ, bà nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng (có 5 người con hy sinh). Anh nói: "Cha hy sinh khi mình còn nằm trong bụng mẹ. Tiếp đó, các chú hy sinh, bà nội mình đau quá nên không khóc được nữa".
Ngày thống nhất, anh Tính 10 tuổi mới cắp sách đến trường. Ngoài giờ học là anh ra đồng phát dọn cỏ bờ, đắp vồng khoai giúp mẹ. Ngày vợ chồng anh sinh đứa con trai đầu lòng, mẹ vui lắm. Bà lẳng lặng thắp hương lên bàn thờ chồng, rồi nhỏ nhẹ: "Ông này, mình giờ có cháu rồi đó ông". Con trai anh giờ đã có vợ con và làm công nhân, lại vừa làm được nhà mới nên anh Tính càng vui.
Anh Đỗ Văn Tính phát triển kinh tế gia đình bằng việc đầu tư chăn nuôi
Cạnh nhà con anh Tính là nhà của mẹ liệt sĩ Phan Thị Cúc, 93 tuổi, hiện sống neo đơn vì con gái theo chồng tận Đắk Lắk. Sớm hôm bà con chòm xóm ghé nhà nấu giùm cụ miếng cơm, có bát canh ngon cũng ghé cho để cụ ăn ngon miệng.
Còn cụ Hồ Thoa (92 tuổi) và vợ là cụ Lê Thị Vì (82 tuổi), nhà ở cuối làng, có hoàn cảnh khá đặc biệt. Qua chiến tranh, cùng chịu nhiều mất mát nên họ nương tựa vào nhau. Cách đây 10 năm, nhà nước đã xây dựng cho vợ chồng cụ ngôi nhà tình nghĩa nên cuộc sống được cải thiện.
Căn nhà tình nghĩa cưa vợ chồng cụ Hồ Thoa
Bình luận (0)