Clip cụ Gọn nghẹn ngào kể về hoàn cảnh gia đình và bệnh tật của bà
Giữa tháng 11, do ảnh hưởng của mưa bão nên tại bến tàu cao tốc ở Phú Quốc (Kiên Giang) gió rất mạnh, lạnh buốt vào lúc sáng sớm. Lẫn trong dòng người chen chân nhau bước xuống chuyến tàu đầu tiên vào buổi sáng, hình ảnh bà cụ ngồi bệt trên vỉa hè bến tàu, đôi tay run rẩy lúc nào cũng cố bấu chặt vào cây gậy để tránh bị ngã khiến ai cũng xót xa.
Cụ Gọn ngồi bệt trên vỉa hè bến tàu cao tốc ở Phú Quốc do không có tiền về đất liền
Nghe bà bảo không có tiền về quê và đang đói, tôi liền gọi chị bán hàng rong đến mua tặng bà trái bắp nấu còn nghi ngút khói và nhét vào tay bà tờ 200.000 đồng. Bà ăn vội vài hạt bắp rồi bỏ phần còn lại vào giỏ với lý do "để trưa còn có cái mà ăn".
Người đàn ông mặc áo trắng mua vé tàu cho bà trở về đất liền
Một người phụ nữ bán vé số dạo tại bến tàu thấy vậy cũng vội lấy trong giỏ vé số ra tặng bà cụ 50.000 đồng để bà làm lộ phí trở về đất liền. "Sáng giờ ế quá, chứ không thôi con tặng bà thêm", người phụ nữ bán vé số nhìn bà cụ, nói bằng giọng nghẹn ngào.
Thấy bà cụ lê từng bước chân đến nơi soát vé để xin xuống tàu, một người đàn ông nói giọng miền Bắc kêu cậu thanh niên đi cùng: "Mua vé cho cụ vào đất liền".
Nhiều người dìu bà cụ bước xuống tàu
Khi tàu rời bến, bà cụ ngồi co ro ở hàng ghế sau cùng vì lạnh. Với giọng nói yếu ớt vì bệnh tật, câu chuyện giữa bà với tôi cứ đứt quãng mỗi khi con tàu gặp sóng to, gió lớn.
Cụ Gọn ngồi co ro khi xuống tàu
Bà cho biết mình tên là Huỳnh Thị Gọn (71 tuổi; tạm trú trong nhà trọ 123 thuộc ấp Bình Chánh, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Trước đây, cụ Gọn cũng có mái ấm gia đình hạnh phúc cùng chồng với 3 đứa con thơ bên bờ kênh thuộc khu vực ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Thế nhưng, một ngày nọ, chồng của cụ bỗng dưng dứt áo ra đi biền biệt không về. Nuốt nước mắt vào lòng, cụ Gọn đi làm thuê với đủ nghề với những mong có tiền nuôi 3 đứa con thơ khôn lớn.
"Vậy mà 2 đứa con lớn cũng lần lượt bỏ tôi mà đi. Niềm an ủi cuối cùng của cuộc đời tôi chỉ còn lại là đứa con gái út. Tới năm nó 20 tuổi, nó lấy chồng nhưng sống chung chưa được bao lâu thì chồng nó cũng đổ bệnh mà chết. Nó buồn tủi nên dẫn đứa con ra Phú Quốc làm nghề mua bán ve chai. Chắc có lẽ con gái tôi sống khổ lắm nên nhiều năm rồi vẫn chưa về thăm mẹ, thăm quê. Tôi ra đây mấy ngày để vừa tìm nó, vừa vô chùa xin thuốc nam trị bệnh nhưng vẫn không gặp được vì điện thoại nó gọi hoài không được", cụ Gọn nói trong nước mắt.
Cụ Gọn chỉ có thể lết từng chút một trên sàn nhà hoặc từ trên chiếc võng xuống bên dưới vì chân, tay đều quá yếu ớt do bệnh tật hành hạ
Cụ Gọn kể, hơn 2 năm trước, khi chính quyền địa phương ở xã Bình Mỹ yêu cầu những hộ dân sinh sống ở đôi bên mé kênh phải di dời đi nơi khác thì căn nhà tạm ọp ẹp của cụ cũng nằm trong diện bị buộc phải giải tỏa. Từ bỏ nơi gắn bó hằng chục năm, cụ Gọn đến thuê phòng trọ hiện nay làm chốn đi về sau những ngày về mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.
Cách nay hơn năm, căn bệnh tiểu đường chuyển biến nặng nên cụ Gọn thường xuyên chịu cảnh đau nhức khớp xương đến nổi không thể nào ngủ được vào ban đêm. Ngoài ra, cụ còn bị thoái hóa cột sống, đau bao tử và tăng huyết áp nên không thể đi bán vé số được nữa do tay và chân chỉ còn da bọc xương. Hằng ngày, mọi việc ăn uống của cụ đều do bà con xung quanh nhà trọ giúp đỡ. Thấy hoàn cảnh thương tâm của cụ Gọn, chủ nhà trọ cũng không đành lòng thu tiền.
"Mấy tháng nay, thằng cháu là con của đứa em bà con bạn dì tới đây xin tá túc nhưng bản thân nó cũng bị bệnh lao phổi. Nó bị bệnh như vậy nhưng vẫn đi làm mướn theo kiểu ai kêu gì làm nấy để có tiền mua thuốc thang cho nó và tôi. Giờ tôi chỉ có ước nguyện duy nhất là được trị bớt bệnh để đi tìm con và bán vé số kiếm sống qua ngày", cụ Gọn nói trong nghẹn ngào.
Hay tin cụ Gọn ra Phú Quốc tìm con nhưng không gặp rồi trở về đất liền, ông Phạm Văn Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND Phú Quốc - cho biết nếu địa phương hay sớm sự việc thì sẽ tìm hỗ trợ cụ bà bất hạnh này.
Một lãnh đạo của xã Bình Long xác nhận do cụ Gọn thường xuyên vắng mặt ở nhà trọ nên thông qua chủ nhà trọ thì được biết cụ từ nơi khác đến đây ở tạm. Hoàn cảnh cụ hiện rất khó khăn, bệnh tật nhưng không làm gì ra tiền để trị bệnh. Tiền nhà trọ mỗi tháng khoảng 500.000 đồng nhưng cụ cũng không có khả năng thanh toán.
Mới đây, một nghệ sĩ ở TP HCM xuống xã tặng 50 thẻ bảo hiểm để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn được trị bệnh. Tới đây, xã sẽ tặng cụ Gọn một thẻ để cụ có điều kiện khám chữa bệnh trước mắt. Còn về tiền nhà trọ, xã sẽ làm việc với chủ nhà để có hướng giảm cho cụ.
"Do cụ Gọn không có đất nên địa phương muốn xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho cụ cũng rất khó. Nếu thông qua Báo Người Lao Động, các nhà hảo tâm giúp đỡ cụ có điều kiện cất nhà thì chúng tôi và báo sẽ cùng bàn bạc hướng giúp đỡ cụ một cách hợp lý nhất", vị lãnh đạo này cho biết.
Chiều 21-11, trao đổi với chúng tôi, cụ Gọn cho biết con gái mình vừa gọi về từ Phú Quốc. "Nó nói đang làm công cho một quán ăn ngoài đấy, thu nhập chỉ đủ trả tiền nhà trọ và lo cái ăn hằng ngày. Khi nào có ít tiền, nó sẽ về thăm tôi", cụ Gọn nói bằng giọng run run.
Bình luận (0)