Thật ra, y sĩ đa khoa, thường gọi là y sĩ, là chức danh có từ rất lâu trong hệ thống ngành y nước ta. Khoảng 10, 20 năm về trước lực lượng y sĩ gần như là "rường cột" trong hệ thống bệnh viện cấp huyện, tỉnh. Họ gần như thay mặt lực lượng bác sĩ ít ỏi thời đó trực tiếp khám bệnh hằng ngày.
Rồi theo thời gian, lực lượng bác sĩ ngày càng nhiều, cộng với đội ngũ điều dưỡng hệ cử nhân có chức năng và trình độ tương đương y sĩ nên vị trí này có phần bất cập, lu mờ. Giải pháp đưa ra là hầu hết các y sĩ đều được học tại chức để lấy bằng bác sĩ. Hiện vẫn còn rất nhiều bác sĩ hệ tại chức này đang công tác tại những bệnh viện tuyến tỉnh, cũng như vị trí y sĩ hầu như không còn khi vài năm trước các trường đại học y đã chuyển đổi hết lứa y sĩ sau cùng.
Tôi không có ý coi thường chức danh y sĩ nhưng ngại về sự chồng chéo trong công việc, nghề nghiệp của họ. Thực tế, hệ thống y tế tại nhiều quốc gia tiên tiến đã chấm dứt vị trí y sĩ từ lâu, có chăng là còn trong hệ thống y tế quân đội. Khác biệt nữa là họ đào tạo y sĩ rất bài bản, có vai trò, vị trí, chức năng rõ ràng và không chuyển thành bác sĩ.
Thực tế nước ta hiện nay, việc các trường đại học đào tạo ngành y đa khoa (bác sĩ) rất nhiều với điểm đầu vào khá đa dạng, cởi mở, người có học lực từ loại khá trở lên không khó để ghi danh học bác sĩ.
Cũng từ chuyện nở rộ đào tạo ngành y mà phát sinh lo ngại về chất lượng đào tạo. Ngay cả vị trí bác sĩ mà còn bị nghi ngờ thì liệu vị trí y sĩ có đủ tạo niềm tin?
Tóm lại, nếu thực tế có nhu cầu thì nên giao việc đào tạo y sĩ cho các trường đại học có thế mạnh về ngành y thực hiện sẽ bài bản và chất lượng hơn. Cũng như cần thiết chế rõ ràng, không thể chuyển đổi y sĩ thành bác sĩ thì vị trí y sĩ mới thật sự là một chức danh nghề nghiệp, là niềm đam mê ngành y thật sự của các thí sinh.
Bình luận (0)