Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là công tác kiểm tra, giám sát chưa đạt kết quả thực chất.
Theo quy định hiện hành, người dân, cấp dưới có quyền chất vấn, giám sát cơ quan nhà nước, cán bộ cấp trên. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế còn nhiều khó khăn, bất cập, do chưa có quy định cấp dưới được quyền ra quyết định kiểm tra cấp trên mà chủ yếu là giám sát, phản ánh, kiến nghị chung chung.
Mặt khác, pháp luật chỉ quy định cấp trên có quyền quản lý, kiểm tra, thanh tra cấp dưới mà chưa có quy định ngược lại là cấp dưới trong một số trường hợp cũng được quyền kiểm tra, giám sát cơ quan cấp trên. Vì vậy, nhiều trường hợp cơ quan cấp trên làm chưa đúng quy định pháp luật, thậm chí vi phạm pháp luật nhưng cấp dưới hoặc cơ quan bị kiểm tra chỉ biết… chịu trận. Trường hợp bị chèn ép quá mới "liều mạng" đứng đơn tố cáo để rồi có khi… rước họa vào thân.
Ngoài ra, nhiều cơ quan có chức năng kiểm tra cải cách hành chính, công vụ, chấp hành pháp luật… nhưng chính các cơ quan đó làm chưa tốt hoặc để xảy ra sai phạm về vấn đề mà họ đi kiểm tra, thanh tra cơ quan khác.
Do đó, thiết nghĩ, cần có cơ chế cho phép cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức cấp dưới, thậm chí người dân được quyền trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát cấp trên theo định kỳ hoặc đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm; hoặc kiểm tra chéo, kiểm tra ngược lại đối với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Có như vậy mới bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát đi vào thực chất, góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp do các cơ quan, cán bộ, công chức cấp dưới không có kênh phản ánh chính thức.
Bình luận (0)