xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người Việt hay xả rác bừa bãi, vì sao?

NGUYỄN VĂN MỸ

Ở nước ta hình như chưa thấy ai bị xử phạt vì xả rác hoặc có nhưng chỉ cá biệt; phát động phong trào được vài tháng với trống giong cờ mở, diễu hành, xe hoa rồi quên lãng

Một trong những điều làm du khách khó chịu nhất khi đi du lịch, đặc biệt với khách nước ngoài là rác. Người Việt Nam chúng ta rất hay xả rác bừa bãi.

Do giáo dục và luật pháp

Có đám đông là có rác, đám đông càng lớn thì rác càng nhiều. Ấn tượng và phản cảm nhất là sau chương trình đón giao thừa ở TP HCM, cả biển người hân hoan rời những điểm vui chơi công cộng về đón Xuân, bỏ lại không gian ngập ngụa rác. Công nhân vệ sinh cực kỳ vất vả "nhận quà đầu năm" - dọn rác. Dọc đường du lịch khắp cả nước, rác cứ sinh sôi năm sau nhiều hơn năm trước. Nhưng lạ là dân ta chỉ xả rác bậy bạ khi ở trong nước, còn ra nước ngoài gần như không dám.

Trước Tết, tôi ra Đường sách Nguyễn Văn Bình ở TP HCM. Khách đông như trẩy hội, cả ta lẫn Tây. Nhộn nhịp nhưng rác vương bừa bãi. Tuyệt nhiên không thấy giỏ rác. Tôi gặp hàng chục sinh viên đồng phục mới, rạng rỡ với dòng chữ "Chiến sĩ tình nguyện Xuân 2018". Em nào cũng sốt sắng selfie. Hỏi có thể thu lượm rác cho đường phố đẹp hơn hay không thì có em trả lời: "Việc đó là của công nhân vệ sinh, đâu phải nhiệm vụ của tụi em?".

Người Việt hay xả rác bừa bãi, vì sao? - Ảnh 1.

Ngay sau giao thừa Tết Mậu Tuất tại TP HCM, dòng người xem pháo hoa đã để lại trên đường rất nhiều giấy, bao ni-lông và bao đựng đồ ăn uống khiến công nhân vệ sinh phải quét dọn vất vả Ảnh: QUANG LIÊM

Nhiều nước xử phạt rất nặng hành vi xả rác bậy bạ, người dân không dám xả rác còn vì sợ bị cộng đồng lên án, xã hội khinh bỉ, xem đó là những hành vi hạ đẳng. Lâu dần, hình thành văn hóa giữ vệ sinh chung chứ không phải thiên hạ văn minh hơn mình. Tất cả là do giáo dục và luật pháp. Việt Nam cũng có những quy định để xử lý nhưng hình như chưa thấy ai bị xử phạt vì xả rác hoặc có nhưng cá biệt. Phát động phong trào này nọ ồn ào được vài tháng với trống giong cờ mở, diễu hành rồi rơi vào quên lãng. Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu "Cấm xả rác", "Cấm khạc nhổ"... Chẳng nước nào có khẩu hiệu "trời ơi" như vậy mà chỉ cấm xả rác bừa bãi, khạc nhổ không đúng nơi và chỉ cần biểu tượng nhỏ, có gạch chéo là ai cũng hiểu.

Tại một bản làng nhỏ người Hmong, sau bữa liên hoan, các cháu bé cùng nhau dọn rác, làm vệ sinh khu vực

Mỗi đêm có hàng chục ngàn khách náo nức tụ về xem bắn pháo hoa ở Disneyland (Hồng Kông) nhưng khi kết thúc thì công viên không một mẩu rác. Qua Nhật, thấy người dân hay cầm theo túi ni-lông nhỏ để bỏ rác vì thùng rác công cộng không nhiều. Sang Đài Loan, vào các chợ đêm thì chợ nào cũng có những thùng rác lớn tại các vị trí thuận tiện, dễ thấy.

Cách đây mấy năm, khi đưa đoàn khách xuống tắm biển Sihanoukville (Campuchia) vào ngày chủ nhật, tôi thấy từ xa lố nhố người dàn hàng ngang, cứ như đi biểu tình. Đến gần, toàn thiếu nhi, có cả cảnh sát du lịch. Mọi người vừa đi vừa lượm rác nhỏ vì rác lớn đã có máy quét rác. Hỏi thăm, các em bảo: "Lượm rác cho bãi biển sạch hơn, khách tới đông hơn thì tụi em bán hàng rong được nhiều hơn". Các em tự nguyện rủ nhau làm sạch đẹp bãi biển hằng tuần, chẳng ai nhắc nhở hay ép buộc.

"Bệnh" rất nặng

Vài năm trước, văn phòng công ty du lịch nọ ở TP HCM ra Hà Nội mở chi nhánh bên hồ Hoàn Kiếm. Cứ cuối giờ mỗi chiều thứ sáu, cả văn phòng ra nhặt rác vòng quanh hồ. Nhiều người ái ngại và thương hại. Có người còn hỏi: "Làm gì mà bị phạt vậy các cháu?" hoặc "các cháu làm vậy mỗi ngày được bao nhiều tiền?". Có người thanh minh: "Rác này người khác xả chứ không phải tôi"... Khi được giải thích, ai cũng trố mắt ngạc nhiên rồi gật gù. Những lần sau, nhiều người còn tình nguyện tham gia. Công ty này đưa học sinh đi tham quan, trước khi ra về đều tổ chức làm vệ sinh vì họ muốn "mình đi tới đâu thì ở đó phải đẹp hơn".

Người Việt hay xả rác bừa bãi, vì sao? - Ảnh 3.

Rất nhiều rác tại khu vực Hội chợ hoa Phú Quốc và khu vực bắn pháo hoa đêm giao thừa mừng Xuân trên đường băng sân bay Phú Quốc cũ (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) Ảnh: ANH THY

Năm 2004, Tâm Châu khai trương nhà hàng ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), sạch đẹp nhất nước vào lúc đó, dù có bảng cấm và loa nhắc nhở nhưng không ít khách vô tư xả rác. Biện pháp giản đơn được nhà hàng "thay lời muốn nói" là hễ khách vừa xả rác, nhân viên nhà hàng lập tức ra nhặt bỏ vào thùng rác. Hành động này làm thủ phạm xấu hổ và có tác dụng nhắc khéo những người khác, rất hiệu quả.

Xả rác bừa bãi là "bệnh" rất nặng của người Việt trong nước. Không thể chữa bằng cách kêu gọi chung chung yêu cầu "giữ vệ sinh chung". Cần có những biện pháp mạnh mẽ và đồng bộ hơn để từng bước xóa bỏ thành kiến người Việt gắn liền với rác.

Thử đưa ra giải pháp

Xin mạo muội đề xuất mấy giải pháp sau đây để giải quyết vấn đề xả rác:

- Tăng mức phạt các hành vi xả rác bừa bãi bao gồm cả khạc nhổ, tiêu tiểu, vẽ bậy… Quy định cụ thể trách nhiệm cụ thể của từng cấp quản lý và giám sát, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu. Không đùn đẩy và vận dụng mỗi nơi một kiểu như lâu nay.

- Các công ty du lịch, các đơn vị tổ chức sự kiện đưa nội dung cấm xả rác bừa bãi hoặc nhắc nhở giữ vệ sinh vào nội dung chương trình, vé mời và thông báo trước giờ khai mạc. Trước khi giải tán, ban tổ chức nhắc nhở, nhờ tình nguyện viên và mọi người chung tay gom rác, giữ vệ sinh môi trường, tạo dần thành thói quen. Các công ty du lịch có thể yêu cầu khách cam kết giữ vệ sinh chung trong suốt hành trình. Cần quy định trách nhiệm liên đới khi xảy ra vi phạm. Nếu để tái diễn thì lần sau không cấp phép vì không có khả năng bảo đảm môi trường.

- Quy định rõ ràng cho các nhà mặt tiền, từ nhà dân, doanh nghiệp cho đến cơ quan, đoàn thể nhà nước phải có trách nhiệm giữ vệ sinh vỉa hè. Dĩ nhiên là vỉa hè phải thông thoáng, không bị chiếm dụng. Trang bị camera giám sát vừa bảo đảm an ninh trật tự vừa phạt nguội các vi phạm.

- Tình nguyện mùa hè xanh, thay vì phải đi xa, làm đủ thứ chuyện, nhiều việc lấn sân nhà nước thì nên tập trung dọn vệ sinh môi trường bắt đầu từ trong nhà ra đường, từ trạm xe buýt, bến xe cho đến công viên. Lực lượng tình nguyện viên đủ lứa tuổi (lấy thanh niên làm nòng cốt) sẽ tập trung dứt điểm căn bản nạn xả rác bừa bãi. Phải làm định kỳ suốt năm chứ không chỉ vài tháng hè. Bằng những hành động cụ thể, thiết thực, vừa tiết kiệm chi phí vừa hiệu quả vì ai cũng có thể tham gia.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo