Chương trình fluor hóa nước (fluoridation program) là chương trình châm sodium fluoride vào nguồn nước máy, được TP HCM thực hiện từ năm 1990 với mục tiêu hỗ trợ phòng ngừa các bệnh về răng miệng cho cộng đồng. Khi mới triển khai, nồng độ fluor trong nguồn nước là 0,7 mg/L - 1 mg/L. Đến năm 2000, TP đã điều chỉnh nồng độ này xuống còn 0,5 mg/L - 0,6 mg/L (dưới 0,3 mg/L không có tác dụng).
Sawaco đề xuất ngừng châm fluor
Năm 2012, khi kết thúc chương trình, nhận thấy cần phải đánh giá lại hiệu quả và tính cần thiết tiếp tục châm fluor hay không, Sawaco đã có công văn gửi Sở Y tế TP HCM đề xuất đánh giá lại chương trình này.
Trả lời kiến nghị của Sawaco, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản cho rằng kết quả điều tra cơ bản về hiệu quả chương trình sau 22 năm triển khai cho thấy: Ở lứa tuổi 12, tỉ lệ sâu răng giảm từ 84% xuống còn 45,8%, chỉ số răng sâu trám giảm từ 3,4% xuống còn 1,2%. Ngoài ra, fluor hóa nguồn nước là một trong những hình thức sử dụng fluor phổ cập để dự phòng sâu răng hữu hiệu nhất cho cộng đồng. Vì sức khỏe người dân TP, Sở Y tế TP đề nghị Sawaco tiếp tục thực hiện chương trình. Sở Y tế cũng sẽ chỉ đạo các cuộc nghiên cứu đánh giá chương trình một cách toàn diện.
Kiểm tra chất lượng nước sau xử lý tại Nhà máy Nước Thủ Đức Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Từ năm 2012 đến nay, việc châm fluor vào nguồn nước cấp được các nhà máy nước tại TP HCM thực hiện với nồng độ trung bình 0,5 mg/L.
Vừa qua, Sawaco tiếp tục có công văn gửi Sở Y tế TP kiến nghị ngưng châm fluor trong nước cấp cho mục đích sinh hoạt nhằm tránh ảnh hưởng sức khỏe người dân nếu dư thừa fluor.
Nói về đề xuất ngưng chương trình, ông Trần Kim Thạch, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước của Sawaco cho biết những năm 1990, đất nước còn khó khăn, việc châm fluor nhằm phòng ngừa bệnh răng miệng là cần thiết. Hiện nay, xã hội phát triển, người dân đã tiếp cận và dung nạp một lượng fluor vào cơ thể thông qua vệ sinh răng miệng (fluor trong kem đánh răng, nước súc miệng), ăn uống (cá, rau củ quả, nước uống)… Đồng thời, bản thân trong nước tự nhiên đã tồn tại một lượng fluor nhỏ ở trạng thái hòa tan trong nước. Như vậy, việc châm thêm fluor nước sinh hoạt có khả năng gây thừa.
Ngoài ra, theo ông Trần Kim Thạch, quy chuẩn Bộ Y tế QCVN 01-1:2018/BYT không quy định ngưỡng giới hạn tối thiểu mà chỉ quy định hàm lượng fluor gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tức không bắt buộc phải có fluor trong nước cấp. Dựa vào quy chuẩn này, nhiều tỉnh thành trên cả nước không châm fluor vào nước cấp, đặc biệt một số khu vực miền Trung như tỉnh Bình Định có công nghệ xử lý để loại bỏ hoàn toàn fluor trong nước do hàm lượng fluor cao.
Sở Y tế TP HCM: Sẽ đánh giá lại
Trong công văn trả lời Báo Người Lao Động ngày 31-7 về chương trình fluor hóa nguồn nước tại TP HCM, Sở Y tế cho biết việc thực hiện chương trình fluor hóa nguồn nước với mục đích phòng, chống các bệnh về răng miệng cho người dân TP. Theo đó, Sawaco đang thực hiện châm fluor vào nguồn nước máy sau xử lý với nồng độ là 0,5+- 0,1 ppm (0,5 mg/L).
Theo báo cáo kết quả giám sát nước sau xử lý đối với các nhà máy nước trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, kết quả đều đạt theo QCVN 01:2009/BYT của Thông tư 04/2009/TT-BYT ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt với chỉ tiêu fluor ở giới hạn tối đa cho phép là 0,5mg/L. Do đó, theo Sở Y tế TP, việc châm fluor vào nguồn nước cấp cho mục đích sinh hoạt hiện nay của Sawaco vẫn bảo đảm nồng độ fluor nằm trong giới hạn.
"Nhằm có thêm cơ sở xem xét việc duy trì chương trình fluor hóa nguồn nước máy TP HCM, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu quả và tính cần thiết của chương trình trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian này, đề nghị Sawaco tiếp tục thực hiện chương trình" - công văn Sở Y tế TP nêu.
Hấp thụ fluor quá cao hoặc quá thấp đều không tốt
Theo TS Nguyễn Việt Cương (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định), fluor là một nguyên tố khá phổ biến trong tự nhiên, có nhiều trong nguồn nước. Trong đời sống, con người hấp thụ fluor từ nhiều nguồn như nước uống, thực phẩm, dược phẩm, kem đánh răng... Hàm lượng fluor mỗi ngày mỗi người cần thiết được khuyến cáo là 0,7 mg/L ở trẻ em và 1,0 mg/L ở người trưởng thành. Khi lượng fluor được hấp thụ vừa đủ sẽ góp phần cải thiện hệ xương và làm chắc răng. Hàm lượng fluor được hấp thụ mỗi ngày quá cao hoặc quá thấp, trong thời gian dài, có thể gây ra những căn bệnh về xương và răng miệng. Tuy nhiên, các tác động cụ thể đến sức khỏe từ việc sử dụng kết hợp nhiều nguồn fluor từ các sản phẩm và các nguồn nước được bổ sung fluor chưa được xác định rõ ràng. Việc nhiễm fluor chỉ xảy ra khi nuốt vào cơ thể với một lượng lớn.
Hầu hết các nước phát triển, bao gồm Nhật Bản và 97 % dân số châu Âu không sử dụng nước được bổ sung fluor. Tuy nhiên, ở Mỹ khoảng 70% nước cấp công cộng được bổ sung fluor. Ấn Độ, Trung Quốc và một số vùng của châu Phi có nồng độ fluor trong nước tự nhiên cao thường chủ động đo lường và loại bỏ fluor ra khỏi nước.
Cũng theo TS Nguyễn Việt Cương, đối với nguồn nước có hàm lượng fluor nằm trong quy định (ví dụ ở Việt Nam là dưới 1,5 mg/L), chỉ cần có những chương trình tuyên truyền, khuyến cáo để người dân chủ động bổ sung fluor phù hợp với đặc điểm của mỗi cá nhân, gia đình thông qua các giải pháp phù hợp như sử dụng kem đánh răng, ăn các thực phẩm có hàm lượng fluor cao...
Fluor được châm như thế nào?
Về quy trình châm fluor, theo Sawaco, hiện 6 nhà máy nước tại TP HCM đều châm fluor với mức trung bình 0,5 mg- 0,6 mg/L nước (quy chuẩn Bộ Y tế đưa ra hàm lượng fluor tối đa < 1,5 mg/L). Hóa chất fluor được châm khi nước đã qua xử lý, do đó hàm lượng fluor khi đến vòi nước người dân sử dụng vẫn ở mức như thế. Về nguồn hóa chất fluor, theo ông Trần Kim Thạch, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước của Sawaco, 5 nhà máy nước, gồm: Tân Hiệp, Tân Hiệp 2, Thủ Đức, BOO Thủ Đức và Xí nghiệp Nước ngầm Sài Gòn với tổng công suất phát khoảng 1,6 triệu m3 nước/ngày đêm (6 tháng đầu năm 2020) đều mua nguồn fluor từ Công ty CP Phân bón Miền Nam - Nhà máy Super Phốt phát Long Thành. Riêng Nhà máy Nước Thủ Đức 3 với công suất phát khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm (6 tháng đầu năm 2020), nguồn fluor nhập khẩu từ Nhật. Ông Trần Kim Thạch cho biết chi phí cho fluor chiếm khoảng 1%- 2% giá nước, nếu bỏ fluor thì giá nước sẽ giảm vài chục đồng/m3, tính ra không đáng kể. Việc kiểm soát chất lượng fluor theo TCVN 1446:2009, bên cạnh đó Sawaco còn kiểm soát hàm lượng khi châm vào cũng như kiểm soát chất lượng nước đầu ra bảo đảm đúng quy chuẩn của Bộ Y tế. Các hóa chất khác như PAC áp dụng theo tiêu chuẩn Nhật (JIS) hoặc tiêu chuẩn châu Âu (EN), vôi áp dụng theo tiêu chuẩn của Mỹ (AWWA), phèn nhôm áp dụng theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 6303:1997).
Kỳ tới: Cần một nghiên cứu khoa học
Bình luận (0)