Trao đổi với chúng tôi về chuyện có nên đình chỉ hoặc đuổi học đối với học sinh (HS) vi phạm kỷ luật, hầu hết các giáo viên (GV) và những nhà quản lý đều cho rằng đây là vấn đề đau đầu không của riêng trường nào.
Nhà trường không dạy thì ai dạy?
Theo GS - Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đuổi những HS hư không phải là một giải pháp khoa học. Nhiệm vụ của nhà trường là biến các HS từ hỏng nhiều thành hỏng ít, từ hỏng ít thành không hỏng; người thiếu đạo đức, người chưa tốt sẽ thành người tốt. Trường học là nơi giáo dục, thầy cô là cha mẹ, giáo dục không tốt thì giáo dục lại.
“HS cá biệt thường có hoàn cảnh gia đình thiệt thòi, nhiều khi phát triển lệch lạc về nhân cách, nếu không có phương pháp sư phạm thì chính người lớn lại đẩy các em vào vực sâu hơn. Đó là chưa kể HS trong tuổi dậy thì có nhiều thay đổi. Vấn đề ở đây là chúng ta có cách giáo dục như thế nào? Có thầy cô tưởng như không thể chấp nhận HS nào đó nhưng khi em này chuyển lớp khác, học GV khác thì tính cách, thái độ lại thay đổi hoàn toàn. Đó là do những GV ấy đã biết cách để các HS cá biệt không có cơ hội “thể hiện” mình” - GS Phạm Minh Hạc phân tích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thiện, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), cho rằng trừ trường hợp HS vi phạm các quy định của pháp luật, buộc nhà trường phải phối hợp với chính quyền đưa về địa phương giáo dưỡng theo quy định, còn thì đa phần vi phạm ở mức phải đuổi học một tuần. Trong một tuần đó, nhà trường cần giám sát, yêu cầu HS phải đến lớp, cố gắng thay đổi nhận thức của các em.
Nổi tiếng trong thời gian làm Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) - ngôi trường cưu mang nhiều HS lầm lỡ, Thầy giáo Ưu tú Trần Cang khẳng định không thể lấy lý do sợ ảnh hưởng đến các em khác mà đuổi một HS nào đó. Cách tốt nhất đối với HS chính là giáo dục.
Thầy Cang kể năm học 2009-2010, có một nữ sinh nổi tiếng ăn chơi, nhiều lần gây gổ, đánh bạn và sinh con khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến xin nhập học. Không những phụ huynh phản ứng mà GV cũng không muốn nhận vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của lớp. Cuối cùng, một GV chịu nhận nữ sinh này. Hiện nay, em đã đi làm sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Đà Nẵng.
“Chúng ta có thể thua cuộc khi dạy dỗ HS không được như mong muốn, không đỗ đạt, còn đuổi học là chúng ta đã bỏ cuộc, mà bỏ cuộc là thất bại của giáo dục. Nhà trường mà không dạy thì ai dạy? Trường học phổ thông chắc chắn sẽ tốt hơn trường giáo dưỡng, trường giáo dưỡng sẽ tốt hơn nhà tù” - thầy Cang nhấn mạnh.
Tam giác nhà trường - gia đình - xã hội
Ở một góc nhìn khác, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng kỷ luật là một hình thức giáo dục, không phải chỉ cho riêng HS bị coi là cá biệt mà còn cho nhiều em khác. Kỷ luật cũng như khen thưởng, có nhiều hình thức khác nhau và trong một số trường hợp phải buộc thôi học một năm. Tuy nhiên, đi kèm với kỷ luật là các biện pháp giáo dục để năm sau các em trở lại trường với tâm thế tốt hơn.
“Đuổi học không phải là đẩy HS vào con đường xấu, để các em lêu lổng mà GV vẫn xem HS bị kỷ luật như một thành viên của trường, lớp. Sự quan tâm ảnh hưởng đến số phận một con người, có thể giúp một HS từ xấu thay đổi thành tốt. Nếu bị bỏ rơi hoàn toàn, việc các HS cá biệt đi vào con đường xấu là chắc chắn” - PGS Văn Như Cương nhận định.
Chung ý kiến, ThS Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TP HCM), phân tích nếu không dùng biện pháp mạnh, HS tái phạm liên tục sẽ ảnh hưởng đến trật tự trường học và những HS khác. Quan trọng nhất là trước mỗi quyết định cần có tính nhân văn và cái tâm của người thầy. Chính điều này sẽ quyết định biện pháp giáo dục HS phù hợp.
Từ thực tế giảng dạy của trường, bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm (quận 3, TP HCM), cho rằng việc đình chỉ học tập 1-2 tuần không giải quyết được gì mà còn tăng thêm gánh nặng cho GV vì phải phụ đạo khi HS quay lại trường. Xử lý kỷ luật HS nhưng sự sâu sát, quan tâm, chăm sóc của GV là rất quan trọng, sẽ động viên các em rất nhiều. Ngoài ra, cần đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho HS để bạn giúp bạn cùng tiến bộ.
“Trong một số trường hợp, đó cũng là một biện pháp giáo dục để HS và gia đình có sự điều chỉnh cần thiết. Nhà trường là môi trường giáo dục tốt nhất nhưng nếu chỉ đơn độc giáo dục thì sẽ không hiệu quả. Một khi môi trường xã hội được cải thiện, gia đình thật sự hợp tác thì giáo dục mới đem lại sự cải thiện” - ông Nguyễn Tấn Sỹ, Hiệu trường Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), nhìn nhận.
Cho học sinh cơ hội
Hơn 30 năm làm thầy, tôi từng gặp rất nhiều HS cá biệt. Thậm chí, có em còn lấy sách vở ném vào người tôi, có em vi phạm kỷ luật rất nhiều lần nhưng tôi chưa một lần ký quyết định đuổi bất kỳ HS nào bởi nghĩ rằng các em còn non dại. Thầy cô giáo cũng như cha mẹ, con dại cái mang… Không đuổi học là cho HS cơ hội làm lại. Sau này, nhiều HS cá biệt đã thành đạt và quay lại cảm ơn tôi vì ngày đó không đuổi học các em.
Trần Ngọc Vinh (hiệu trưởng một trường THPT ở Quảng Ngãi, đã nghỉ hưu)
Bình luận (0)