Để không bỏ lọt tội phạm và vì việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, TAND cấp phúc thẩm cần áp dụng Điều 358 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Sau nhiều lần liên tiếp hoãn xử, ngày 17 và 18-10, TAND Cấp cao tại TP HCM mở lại phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (46 tuổi, nguyên cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Văn Thới (43 ttuổi), Trần Quốc Thái (48 tuổi), Lê Thị Cẩm Vân (37 tuổi) cùng 6 đồng phạm về tội "Đưa hối lộ" và "Môi giới hối lộ".
Trong vụ án này, có đến 9 người đưa hối lộ gần chục tỉ đồng kèm theo các thông tin chi tiết về thời gian, số lần, tên người nhận tiền… và một người môi giới hối lộ. Thế nhưng, không có người nhận hối lộ nào bị khởi tố, truy tố và xét xử dù vì chuyện vô lý này mà nhiều lần TAND TP HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung. Cho đến tháng 10-2018, TAND TP HCM xét xử và tuyên phạt 9/10 bị cáo từ 1 năm 6 tháng đến 14 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Bị cáo thứ 10 là một CSGT thì bị xử phạt 8 năm tù về tội "Môi giới hối lộ". Vậy có bị xem là "bỏ lọt tội phạm" hay không?
Theo quy định tại Điều 364, Điều 365 Bộ luật Hình sự hiện hành thì tội "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" là những tội phạm có cấu thành hình thức, hậu quả xảy ra (đưa cho ai, người nhận hối lộ có nhận hối lộ hay không?) không là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành thành tội phạm. Theo đó, chỉ cần người đưa và người môi giới hối lộ có ý thức chủ quan là dùng "lợi ích vật chất" (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác) hoặc "lợi ích phi vật chất" đưa hối lộ hoặc người môi giới để đạt được các lợi ích riêng thì tội phạm đó đã được hoàn thành. Do đó, trong một số vụ án liên quan đến việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ có thể có hoặc không có người nhận hối lộ.
Tuy nhiên, nếu đặt trong trường hợp vụ án "Logo xe vua", có thể nhận thấy một điều rất bất hợp lý, đó là số lượng người đưa hối lộ rất đông, số tiền hối lộ lên đến hàng chục tỉ đồng, tính chất và mức độ nguy hiểm của những hành vi mà các bị cáo gây ra rất nghiêm trọng. Hơn nữa, căn cứ vào lời khai của các bị cáo về tên người nhận tiền, đã có 62 cán bộ CSGT và 18 cán bộ thanh tra giao thông của 3 tỉnh, TP là TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai bị CQĐT triệu tập. Điều vô lý là CQĐT chỉ dựa vào căn cứ "họ đều phủ nhận việc nhận hối lộ" mà không tiến hành các "nghiệp vụ điều tra khác" đến cùng để tìm ra sự thật của vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm vừa qua, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM đã đề nghị HĐXX bác kháng cáo của các bị cáo, tuyên y án sơ thẩm. Đồng thời, theo công tố viên, vụ án xử người đưa hối lộ, người làm môi giới hối lộ nhưng không có người nhận hối lộ là rất phi lý. Bởi qua quá trình giải quyết vụ án, lời khai của các bị cáo là thống nhất với nhau, thống nhất với tình tiết khách quan của vụ án, cụ thể các bị cáo đã khai rõ thời điểm, địa điểm và nhận diện một số CSGT, thanh tra giao thông nhận hối lộ.
Cho nên, để không bỏ lọt tội phạm và vì việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, theo tôi, TAND cấp phúc thẩm cần áp dụng Điều 358 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Việc này vừa đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp, vừa tránh bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, để "cảnh tỉnh" những hành vi tham nhũng của một bộ phận cá nhân, tổ chức có chức vụ quyền hạn; hướng đến ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính; củng cố lòng tin của nhân dân.
Bình luận (0)