Bên cạnh những hành động nhân văn, rạng ngời đạo lý "lá lành đùm lá rách" như tặng khẩu trang miễn phí, hiến máu tình nguyện, giải cứu nông sản mùa dịch bệnh…, một số cá nhân lại "trưng ra" cho cộng đồng thấy sự lạnh lùng, tham lam, ích kỷ đáng lên án.
"Sát thương" người khác bằng sự kỳ thị
"Người Vũ Hán", "người Daegu", nỗi kỳ thị đã mở rộng thành "Trung Quốc" và "Hàn Quốc". Những cụm từ nhạy cảm ấy khuấy động dư luận khiến người ta hãi hùng mỗi lúc vô tình bắt gặp giọng nói, khuôn mặt của những người mang quốc tịch trên. Ngay người Việt Nam với nhau cũng nhen nhóm sự phân biệt đối xử với người từ vùng dịch. Điển hình là cách đây không lâu, Vĩnh Phúc với tâm dịch Sơn Lôi đã nhận vô số "gạch đá" từ cộng đồng. Những người Vĩnh Phúc vào các địa phương khác làm ăn khốn khổ vì bị kỳ thị, không ai dám tiếp xúc với họ trong khi họ không hề nhiễm bệnh…
Cách ly người bệnh để theo dõi diễn biến sức khỏe đề phòng dịch bệnh. Cách ly một xã để khống chế dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Cách ly hoàn toàn không có nghĩa là phải tránh người nghi nhiễm bệnh thật xa, ném về phía họ vô số vũ khí sát thương từ lời nói, ánh mắt, hành động bởi họ là nguyên nhân lây lan dịch bệnh.
Cả thế giới, cả nước đang đối đầu với dịch bệnh Covid-19, chiến đấu chống virus SARS-CoV-2. Người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm, người đi qua vùng dịch cũng chỉ là nạn nhân. Họ cần lắm một phác đồ điều trị khoa học và cần hơn cả là sự động viên, an ủi, chia sẻ của cộng đồng để đương đầu với bệnh tật chứ không phải là sự xa lánh, phân biệt đối xử, kỳ thị, đẩy vào hố sâu tuyệt vọng.
Cơ quan chức năng phát hiện một vựa phế liệu ở huyện Bình Chánh,TP HCM thu gom khẩu trang với số lượng lớn Ảnh: Phạm Dũng
"Virus" hoang mang lây lan
Trước những tin tức tích cực về nỗ lực khống chế dịch Covid-19 của nước ta trong thời gian qua, người dân đang đặt trọn niềm tin vào quyết tâm "chống dịch như chống giặc" của Chính phủ. Thế nhưng, một số người vẫn chọn giải pháp tin tưởng vào "tin đồn", "tin giả" lan truyền trên các trang mạng xã hội.
"Sốt" khẩu trang y tế, khan hiếm nước rửa tay khô là chuyện thường ngày được bàn luận sôi nổi khắp nơi. Giờ thì người ta tranh nhau dự trữ các nhu yếu phẩm thiết yếu từ gạo, mì, đồ hộp… Ngay đến một số mặt hàng như khăn giấy, thuốc hạ sốt cũng đang được để mắt tới.
Đặc biệt, khi ca dương tính với virus SARS-CoV-2 thứ 17 được công bố ở TP Hà Nội đêm 6-3, dù nhà chức trách đã khẳng định hàng hóa không thiếu thốn và bảo đảm nhu cầu cho dân, song nhiều người vẫn đua nhau mua cả những mặt hàng mà đôi khi không biết vì sao mình phải mua. Trong khi cái quan trọng nhất để phòng dịch chính là không nên tụ tập nơi đông người, đứng quá gần nhau thì người ta lại không màng đến.
Chỉ biết nghĩ cho mình
Chuyện găm hàng, tăng giá khẩu trang y tế hoặc bán khẩu trang y tế không nhãn mác với giá trên trời, tung tin thất thiệt để câu view... dù các cơ quan chức năng đang quyết liệt kiểm tra và xử phạt nghiêm nhưng vẫn có những kẻ nhẫn tâm xem đây là "cơ hội" hái ra tiền, sẵn sàng giẫm đạp lên nỗ lực phòng chống dịch của cả nước, nỗi lo của đồng bào mình.
Rồi câu chuyện một cô gái trẻ trở về từ Hàn Quốc tự hào livestream khoe "chiến tích" trốn cách ly, lên mặt chỉ cho thiên hạ cách gian dối trong khai báo y tế. Tất cả thể hiện sự thiếu hiểu biết, lối sống ích kỷ cùng tư duy xem thường phòng dịch cho bản thân, người thân và cộng đồng. Hay ca bệnh thứ 17 ở TP Hà Nội làm dậy sóng cộng đồng bởi sau thời gian "tự cách ly tại nhà" đã có kết quả dương tính với virus corona, người thân của cô đã nhiễm bệnh, cả trăm người khác đang cách ly. Nguyên nhân chỉ vì sau khi đi qua nhiều nước trở về Việt Nam, cô đã không trung thực khi khai báo y tế dẫn đến bao nhiêu hệ lụy cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Từ thực tiễn cho thấy khống chế được dịch bệnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào từng người. Chỉ cần bình tĩnh, tin tưởng và chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch bệnh; chỉ cần tôn trọng công tác phòng dịch bằng cách khai báo y tế trung thực, tuân thủ cách ly và khuyến cáo an toàn dịch tễ của Bộ Y tế, chúng ta sẽ an toàn.
Bình luận (0)