Sự sợ hãi, hoảng loạn phương hại đến mọi thứ. Vì sợ hãi, sợ người ta kỳ thị nên người được yêu cầu cách ly tìm cách trốn. Đổ xô đi mua gạo, mua mì gói mà không biết mình đã đi vào chỗ có nguy cơ: đám đông, không gian kín. Cũng có người súc họng, rửa tay liên tục đến rát họng, đau tay...
Hãy bình tĩnh, sẽ qua thôi
Sự sợ hãi còn dẫn đến những điều lớn hơn, ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Người này nhìn thấy người kia hoang mang đi mua hàng tích trữ cũng đâm lo lắng, tạo nên một "hiệu ứng lan tỏa" tiêu cực. Người có tâm lý yếu sẽ bị stress, tinh thần xuống thì sức đề kháng cũng giảm. Rồi vì sợ hãi mà không đi tiêm ngừa, không dám vào bệnh viện, để rồi phải nhập viện trong tình trạng nặng, tạo nên gánh nặng y tế có khi còn lớn hơn bản thân dịch bệnh.
Điều cần nhất lúc này là nếu xét mình có thể có nguy cơ, ví dụ đã đi đến nơi có thể có dịch thì cho dù chưa phải thuộc nhóm buộc cách ly tập trung, hãy tự cách ly và nhất là đừng đi sang tỉnh khác. Sợ hãi chạy sang tỉnh khác thì hậu quả rất lớn. Dù chỉ là một xác suất rất nhỏ nhưng lỡ rơi vào xác suất nhỏ đó, lỡ đi xe đò, máy bay… sẽ lây cho bao người. Hiếm ai đi đến tỉnh khác lại ở một mình mà sẽ gặp gỡ người thân, bạn bè rồi lây cho họ.
Nỗi sợ ngành y tế "giấu dịch" cũng đáng bàn. Đây là bệnh hô hấp, làm sao mà giấu? Nếu ở ngoài cộng đồng có virus, người ta phải có bệnh hô hấp, trong số đó phải có người nặng, triệu chứng thấy ngay; trong 100 người bệnh hô hấp phải có ít nhất 50 người đi đến bệnh viện, đưa bệnh nhân đến viện thì phải mặc đồ bảo hộ... Vậy giấu đi đâu?
Bình tĩnh, tất cả cùng chiến đấu, nếu biết ai có tiếp xúc người bệnh thì khuyên khai báo, cách ly; khuyên không được thì gọi cơ quan chức năng. Để chống lại dịch bệnh, rất cần ý thức cộng đồng. Tôi cảm ơn bệnh nhân số 32 vì điều đó!
Kiểm tra, phát khẩu trang cho người khám bệnh phòng chống lây lan Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh TP HCM ảnh: Nguyễn Thạnh
Virus corona mới đáng sợ đến đâu?
Trước đây, khi Việt Nam có một bệnh nhân là một cô gái 16 tuổi, bị lây từ dì mình là công nhân từ TP Vũ Hán (Trung Quốc), đã đi học trong 1 lớp có khoảng 30 học sinh. Lúc đó nhiều người hoảng sợ, tưởng "xong" rồi, cứ hình dung 30 học sinh đó về nhà rồi lây cho ai... Nhưng rồi cuối cùng 30 học sinh đó không bị sao cả. Nếu xét cho kỹ, không thể nào người này lây sang người kia, người kia lây liền sang người nọ. Chúng ta hãy bình tĩnh khi thấy mức độ lây như vậy.
Người ta lo lắng chuyện "lây trong thời gian ủ bệnh". Bệnh không chỉ có thời gian ủ bệnh và thời gian bệnh mà phải chia ra tận 5 giai đoạn: ủ bệnh, tiền chứng, khởi phát, toàn phát và phục hồi. Vụ "lây trong thời gian ủ bệnh" thực ra là người ta đã gom chung giai đoạn ủ bệnh và giai đoạn tiền chứng.
Bệnh này thực ra là lây trong giai đoạn tiền chứng. Nếu theo kiểu gom ủ bệnh và tiền chứng như mọi người thường hiểu thì một người ủ bệnh ở mức trung bình là 6 ngày, thường đến ngày thứ 5 rưỡi họ mới bắt đầu có thể lây cho người khác. Vì đâu phải người này vừa bị lây, ho một cái là lây ngay cho người khác. Virus khi đi vào vật chủ cần xâm chiếm các tế bào, nhân lên đến một mức nào đó mới lây được và không phải giai đoạn tiền chứng là hoàn toàn chưa có triệu chứng. Có thể chưa ho, chưa sốt nhưng thường bắt đầu mệt mỏi. Đó là lý do tôi khuyên mọi người khi mới vừa thấy mệt mỏi mà mình là người có yếu tố nguy cơ (ví dụ nghi mình có đến chỗ mà một người nhiễm đã đến trước khi họ nhập viện) thì hãy liên hệ cơ quan chức năng ngay.
Khi bệnh còn nhẹ, tiền chứng hay mới khởi phát, khả năng lây cho người khác rất thấp. Khi toàn phát, ho nhiều, nồng độ virus cao, lây mới dữ. Vì vậy, nghi có bệnh thì đừng chần chừ.
Chúng ta nhìn vào số ca bệnh, số tử vong, thấy nó lớn. Nếu đem so sánh với dân số của Vũ Hán 10-11 triệu dân, rồi so sánh dân số hơn 1 tỉ người của Trung Quốc, sẽ thấy tỉ lệ trên 100.000 dân là rất thấp. So sánh với các dịch bệnh khác như sởi, cúm, SARS… sẽ thấy độ lan tỏa, độ bệnh, độ tử vong không phải là quá nặng nề. Hơn nữa, Việt Nam đang bước vào mùa nóng, ẩm, thuận lợi để chúng ta chống dịch.
Tuy vậy, có một lý do lớn khiến chúng ta phải dốc sức phòng chống đó là Covid-19 là một bệnh mới, miễn dịch cộng đồng rất thấp. Hãy nghĩ phòng bệnh trước nhất là cho gia đình mình, bởi hơn 70% bệnh nhân bị lây từ gia đình.
Cần sự đoàn kết, sẻ chia
Đúng là có những thứ đáng sợ hơn cả Covid-19 như chuyện thu gom khẩu trang đã sử dụng để bán lại; trốn tránh khai báo y tế; trốn cách ly, "tráo người" cách ly... Nhưng còn một thứ xấu xa nữa là "miệng lưỡi" thế giới mạng.
Sao người ta có thể đùa trên sự đau khổ của người khác, trước số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang tăng? Có không biết bao nhiêu là "gạch đá" đã ném vào ca thứ 17, vậy mà mỏi mắt kiếm tìm cũng không thấy một góp ý hay giải pháp hay ho nào được đưa ra từ các ... anh hùng bàn phím!
Mấy hôm nay siêu thị chộn rộn, nhiều người hỏi tôi sao không tích trữ thứ này thứ kia, tôi bảo: "Để làm gì?". Nhà nước đã khuyến cáo người dân cứ an tâm bởi nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào, không cần đổ xô gom hàng, tích trữ... Nhưng nhiều người vẫn thích tin vào lời rỉ tai, đồn thổi hoặc suy luận chủ quan của bản thân. Có lẽ đó cũng là thứ "đáng sợ" trong mùa dịch.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta không làm gì được cho cuộc sống, đất nước thời dịch bệnh thì cũng đừng làm gì phiền hà, rối rắm đến cuộc sống, cộng đồng. Ở thời điểm nào đó đôi khi sự yên lặng là cần thiết, thậm chí là một sự đóng góp. Dịch bệnh đúng là thứ đáng sợ nhưng là lúc cần hơn hết sự đoàn kết, chia sẻ, cảm thông... chứ không phải là sự đùa cợt, vô tâm, vô cảm.
Vân Thanh
Bình luận (0)