Từ năm 2007, khi dự án thủy điện Đăkdrinh (có vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng) được triển khai, hàng trăm hộ dân ở huyện Sơn Tây được nhận cả tỉ đồng tiền đền bù. Không có cách sử dụng tiền hiệu quả, hiện rất nhiều hộ trong số đó phải vất vả kiếm cái ăn hằng ngày.
Những căn biệt thự mini ở xã Sơn Liên mọc lên san sát nhờ tiền đền bù. Ảnh nhỏ: Đinh Văn T. lấy tiền đền bù mua ô tô để... leo núi
Xài xả láng
“Phố núi” Sơn Tây tập trung khoảng 1.000 nóc nhà, giữa một thung lũng được bao bọc bởi những ngọn núi. Dưới con đường xương sống chạy xuyên huyện, nhà dân thì ít mà những điểm giải trí như bida, bi lắc, karaoke, quán nhậu… thì mọc lên san sát.
Từ trung tâm huyện, men theo con đường lởm chởm đất đá, chúng tôi vào khu tái định cư xóm Nghèo (xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây). Khu tái định cư rộng khoảng 1 ha nhưng nổi bật hẳn lên bởi màu xanh, đỏ, tím, vàng của những ngôi biệt thự nhỏ giữa núi rừng. Tiền xây dựng mỗi ngôi nhà như vậy chí ít cũng khoảng 300-500 triệu đồng. Thời điểm chúng tôi đến là đợt chi trả tiền đền bù cuối cùng cho 73 hộ dân ở xã Sơn Liên. Tổng số tiền đền bù người dân ở đây nhận được hơn 41 tỉ đồng, trong đó người nhiều nhất vài tỉ, người ít nhất cũng 300-500 triệu đồng.
Trời nhá nhem tối, trung tâm xã Sơn Liên nhộn nhịp hẳn lên. Đèn điện sáng rực khắp nơi, soi rọi từng ngóc ngách của lối mòn dẫn sâu vào những cánh rừng. Trong các quán nhậu, tiếng cười nói xôn xao, tiếng cụng ly chan chát hệt như giữa trung tâm một thành phố lớn.
Đinh Văn Tráo (24 tuổi, ngụ xã Sơn Liên) lất ngất vì bia, cười nói: “Bây giờ, mình sướng rồi. Trên này cũng có những nơi ăn chơi thứ thiệt, “em út” chỉ cần gọi là có”. Gia đình Đinh Văn Tráo nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện Đăkdrinh hơn 1 tỉ đồng cùng 1 căn nhà tái định cư. Từ khi có tiền đền bù, gạo mua vài bao bỏ trong nhà cho vợ con ăn, Tráo không còn đi làm đồng, làm rẫy nữa mà cùng một nhóm thanh niên cùng xã tụm năm tụm bảy ăn nhậu cả ngày lẫn đêm. Hết nhậu ở làng, họ lại kéo nhau ra huyện rồi xuống TP Quảng Ngãi chơi vài ngày mới về.
Sắm ô tô leo núi cho sang!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở xóm Nghèo cũng như nhiều nơi khác của xã Sơn Liên, mỗi hộ dân nằm trong dự án thủy điện Đăkdrinh được bồi thường hàng trăm triệu đồng. Số tiền này bao gồm tiền chuyển đổi nghề nghiệp, tiền để người dân tái định canh, định cư… Nhưng khi có tiền đền bù, nhà nào cũng mua sắm vật dụng tiêu dùng; còn việc mua đất để canh tác, dựng nhà cửa để ở, mua trâu bò lo cho sản xuất... thì hầu như không có hộ dân nào quan tâm tới.
Không chỉ ăn nhậu mút mùa, từ khi nhận được tiền đền bù, nhiều thanh niên trong làng còn mua sắm những chiếc điện thoại đắt tiền, dàn karaoke đời mới hay xe tay ga xịn… Thậm chí, như trường hợp của anh Đinh Văn T., nhận được 5 tỉ đồng tiền đền bù liền sắm ngay một chiếc ô tô Innova với giá 700 triệu đồng, đem về… “leo núi cho sang”!
Ông Trần Đông Phong, Chủ tịch UBND xã Sơn Liên, lo lắng: “Có tiền rủng rỉnh trong tay, người dân bắt đầu sa vào những cuộc ăn chơi mà không biết đến ngày mai. Chính quyền địa phương đã liên tục tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ khoản tiền đền bù để trang trải cho những ngày không có đất sản xuất chứ làm sao cấm họ mua sắm được. Thậm chí, không ít người có tư tưởng ỷ lại, cho rằng “hết gạo thì có nhà nước lo”.
Nguy cơ thiếu ăn, thiếu mặc Bí thư Huyện ủy Sơn Tây, ông Đinh Kà Để, cho biết toàn huyện có khoảng 570 ha đất bị ngập trong lòng hồ thủy điện nên diện tích đất sản xuất bị hao hụt nhiều. Trong khi đó, người dân tiêu xài lãng phí và nhiều hộ không chịu đi làm, suốt ngày chỉ lo ăn nhậu, chơi bời khắp nơi. Cán bộ xuống khuyên bảo thì thấy lúc nào họ cũng gục đầu vì say xỉn. “Thủy điện Đăkdrinh triển khai đã làm thay đổi cuộc sống của hàng ngàn đồng bào H’re. Cầm tiền tỉ nhưng đồng bào nghèo nơi đây lại đứng trước nguy cơ thiếu ăn, thiếu mặc” - ông Để chua chát. |
Bình luận (0)