Hôm nay, 11-12, đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ đá trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 tại Malaysia, hàng triệu trái tim người hâm mộ bóng đá nước nhà đang hướng về đội tuyển. Ở nhiều nơi, cổ động viên (CĐV) và người hâm mộ sẽ đổ ra đường phố, làm nên không khí ngày hội bóng đá sôi động. Tuy nhiên, những trận "đi bão" vì vui mừng quá mức và thiếu kiểm soát dễ dẫn đến nhiều tiêu cực khác.
Đừng quên sự an toàn và văn minh
Đêm 6-12, đội tuyển Việt Nam chiến thắng trước Philippines giành quyền vào chung kết, lượng người và phương tiện dồn về trung tâm các TP rất lớn, gây ùn ứ giao thông. Trong số đó, có không ít thanh thiếu niên lợi dụng gây rối trật tự công cộng, leo lên nóc ôtô hoặc chạy xe máy rú ga, nẹt pô…
Theo ThS Bùi Việt Thành (giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM), CĐV Việt Nam luôn đồng hành với đội tuyển đã làm cho bè bạn quốc tế có cái nhìn thiện cảm và dành nhiều lời khen tặng. Tuy nhiên, những hành động quá khích như đốt pháo sáng trong sân, đua xe, hò hét xuyên đêm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người khác chính là những hành động thiếu văn hóa.
"Một số người đang lầm tưởng lao xe máy vun vút, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, khoe thân... là thể hiện tình yêu bóng đá cuồng nhiệt. Hoàn toàn sai lầm. Đó chính là hành vi gây rối, vi phạm pháp luật và thiếu văn hóa. Hành vi thiếu kiểm soát sẽ để lại nhiều hậu quả cho bản thân họ, ảnh hưởng đến người xung quanh cũng như cái nhìn của bạn bè quốc tế về Việt Nam. Cổ vũ bóng đá cũng cần có sự văn minh. Vui đến mức nào cũng phải có chừng mực, trong khuôn khổ pháp luật và phải đặt an toàn lên hàng đầu. Hòa cùng niềm vui chiến thắng, người hâm mộ xuống đường, bắt tay nhau tung hô tên các cầu thủ, huấn luyện viên (HLV) hay cùng hát những bài ca thân thuộc. Vậy là đủ" - ThS Bùi Việt Thành nói.
Đồng quan điểm, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng tình yêu bóng đá là tiếng gọi từ lương tâm nhưng cũng đừng quên sự an toàn và văn minh. Những tình cảm với bóng đá cũng cần được soi sáng bởi lý trí vì hơn hết chúng ta cần giữ hạnh phúc dài lâu.
"Chọn cách cổ vũ phù hợp, có văn hóa, không ảnh hưởng đến người khác và sự an toàn xã hội là điều cần làm. Đừng để đội tuyển Việt Nam và các HLV, cầu thủ phải lo lắng nếu có những vấn đề không hay nảy sinh sau những trận cầu. Đó cũng là cách cổ vũ có trách nhiệm" - TS Huỳnh Văn Sơn gửi gắm.
Người hâm mộ TP HCM xuống đường mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam đêm 6-12 Ảnh: Gia Minh
Chuẩn bị kế hoạch "chống bão"
Nói về kế hoạch điều chỉnh giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông trong 2 trận chung kết, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết trong ngày 11-12 và 15-12, từ 19 đến 24 giờ sẽ hạn chế các loại taxi, xe dưới 9 chỗ ngồi hoạt động thí điểm theo hình thức hợp đồng điện tử lưu thông vào khu vực trung tâm TP; từ 22 đến 24 giờ sẽ cấm tất cả xe tải nặng lưu thông vào khu vực trung tâm, gồm các quận 1, 3 và 5.
Trong khi đó, theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, vào trước thời điểm diễn ra trận đấu, đơn vị này sẽ bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, trong đó tập trung vào những địa điểm có tổ chức xem bóng đá. Khi gần kết thúc trận đấu, đơn vị sẽ triển khai 100% lực lượng phối hợp với thanh niên xung phong thực hiện công tác phân luồng, điều tiết giao thông tại các giao lộ trọng điểm, tạo điều kiện cho người hâm mộ được an toàn.
Ngoài ra, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cũng sẽ phối hợp các lực lượng liên quan lên phương án xử lý nghiêm và ngăn chặn các hành vi quá khích, manh động, lợi dụng việc cổ động cho đội tuyển Việt Nam để tổ chức đua xe, tụ tập đông người, gây rối. Những trường hợp vi phạm sẽ được xử lý nhanh, dứt điểm, không xử lý tại hiện trường vì có thể tạo điểm nóng.
Liên quan vấn đề lo ngại kẹt xe cấp cứu trước dòng người "đi bão" đổ ra đường trong 2 ngày diễn ra trận chung kết, ông Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, cho biết trung tâm đã chuẩn bị tình huống này và lên kế hoạch dự phòng. Theo đó, 26 trạm cấp cứu vệ tinh của trung tâm luôn trong chế độ 24/24, sẵn sàng lên đường. "Trường hợp kẹt đường, xe chuyên dụng khó tiếp cận hiện trường, chúng tôi đã lên kế hoạch phối hợp với lực lượng CSGT để giải quyết những trường hợp khẩn cấp nhất" - ông Long thông tin.
Không nên cho trẻ nhỏ "đi bão"
BS Trần Văn Sóng, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM, khuyến cáo người hâm mộ "đi bão" hạn chế cầm những lá cờ quá lớn vì dễ bị gió tạt, che tầm nhìn người đi sau. Không nên cho trẻ nhỏ tham gia "đi bão" vì dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Theo ThS-BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bóng đá là môn thể thao đồng đội làm say mê triệu triệu người trên thế giới. Cảm xúc của mỗi người theo dõi trận bóng đá rất khác nhau, tùy vào mức đam mê của người đó với bóng đá. Sự thay đổi cảm xúc mạnh mẽ có thể gây ra đau thắt ngực, thậm chí gây nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân mắc bệnh mạch vành.
Thăm dò ý kiến
Kết quả chung kết lượt đi AFF Cup, Malaysia - Việt Nam:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)