Từ những phản ánh của bạn đọc về việc thiết bị nghe lén điện thoại được bày bán tràn lan dẫn đến những hệ lụy khó lường, chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế. Dạo qua tuyến đường Hồng Bàng (phường 11, quận 5, TP HCM), chúng tôi ghi nhận có nhiều cửa hàng chuyên bán thiết bị nghe lén.
Công khai mua bán
Vào một cửa hàng, chúng tôi được nhân viên giới thiệu hàng loạt sản phẩm chuyên dùng để nghe lén cuộc họp, ghi âm, camera có chức năng nghe lén… Theo lời nhân viên này, một chiếc máy nghe lén và định vị có thể được ngụy trang bằng sạc pin dự phòng điện thoại, chuột máy tính, ổ cắm điện, vòng đeo đá quý… Những sản phẩm này có giá từ 1,5 triệu đến 4 triệu đồng và được giới thiệu là hàng Nhật, Mỹ (theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn những sản phẩm được chào bán tại thị trường Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc).
Không chỉ bán công khai ở các cửa hàng trên đường, các thiết bị trên còn được rao bán tràn ngập trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần gõ cụm từ “thiết bị nghe lén” trên công cụ tìm kiếm, trong tích tắc đã ra hàng trăm ngàn trang web rao bán những thiết bị được quảng cáo để nghe lén. Đặc biệt là phần mềm nghe trộm điện thoại, có thể nghe tường tận nội dung đàm thoại, tin nhắn SMS của người bị nghe trộm hoặc có thể tùy ý bật camera, webcam… rất được những người có nhu cầu theo dõi vợ/chồng vì nghi ngoại tình hoặc giám sát con cái, theo dõi đối tác… lựa chọn.
Theo anh N.Đ.Q (chuyên gia về viễn thông, công nghệ tại TP HCM), các thiết bị nghe lén, quay lén đang được bày bán tràn lan trên mạng internet tại Việt Nam đều có điểm chung là có kích thước rất nhỏ gọn, có thể được ngụy trang rất khéo léo, thậm chí có hình dáng như những đồ vật bình thường. Các thiết bị này hoàn toàn có thể được lắp đặt trong các nhà nghỉ, khách sạn, phòng thay đồ, có thể ghi âm, quay lén người khác trực tiếp mà không ai hay biết. Nguy hiểm hơn là có thể nghe lén, ghi lén từ xa trong một thời gian dài một cách dễ dàng. Điều này đặt ra vấn đề là chúng sẽ được dễ dàng sử dụng với mục đích xấu. “Một số người có đầu óc bệnh hoạn, mua để quay lén phụ nữ; số khác mua vì mục đích muốn tống tiền hay phá hoại công việc làm ăn của đối thủ... Các thiết bị này lẽ ra chỉ được cung cấp cho những cá nhân, cơ quan sử dụng vào mục đích chuyên dụng, có giấy phép sử dụng. Nếu để mua bán tràn lan, không có quản lý như thế này thì nguy cơ xâm phạm đời tư, ảnh hưởng đến trật tự xã hội là rất lớn” - anh Q. nói.
Có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM) cho biết nếu sử dụng các thông tin được nghe lén để tống tiền, tống tình hoặc sử dụng vào các mục đích xấu thì tùy từng hành vi cụ thể mà bị xử lý theo quy định pháp luật về hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó. Ngoài ra, có thể còn bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi tống tiền, tống tình… Cũng theo luật sư Hậu, khi phát hiện bị nghe trộm, thu trộm, xem trộm thông tin cá nhân, cần làm đơn tố cáo tới công an cấp xã hoặc cơ quan công an huyện. Trong đơn trình bày rõ sự việc, cung cấp các chứng cứ cần thiết để cơ quan công an có cơ sở xem xét, giải quyết. Người bị nghe trộm, thu trộm… cũng có quyền yêu cầu đối tượng vi phạm phải bồi thường thiệt hại (nếu có).
“Để ngăn chặn tình trạng này, theo tôi, các cơ quan quản lý thị trường, cơ quan liên quan cần tăng cường khâu kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, quy định về dán nhãn sản phẩm… Về lâu dài, Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm nghiên cứu và đưa các loại thiết bị theo dõi, thiết bị phá sóng… vào danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện; đồng thời, cần sớm xây dựng nghị định quy định cụ thể việc xử lý đối với hành vi buôn bán, sử dụng thiết bị trên” - luật sư Hậu đề xuất.
Còn theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM), tất cả các sản phẩm nghe lén được bày bán trên thị trường hiện nay đều là hàng nhập lậu từ nước ngoài qua đường tiểu ngạch không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Người mua những sản phẩm này chỉ được chỉ dẫn chung chung, nếu thiết bị lỗi cũng không biết địa chỉ để bảo hành.
Do là sản phẩm nhập lậu trái phép, người kinh doanh sảm phẩm này đã vi phạm Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, người kinh doanh mặt hàng thiết bị nghe lén sử dụng sóng GSM có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người mua bán thiết bị nghe lén có thể bị xử lý hình sự theo điều 155 Bộ Luật Hình sự về tội “Sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm” hoặc có thể bị truy cứu nếu nhập lậu theo điều 153 Bộ Luật Hình sự về tội “Buôn lậu”.
Cũng theo luật sư Nguyễn Đan Mạch, người sử dụng thiết bị nghe lén có thể bị khởi kiện hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.
Bình luận (0)