Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người dân do nghi ngờ bắt cóc, trộm chó đã cùng nhau phá hoại tài sản, đánh hội đồng kẻ tình nghi khiến nhiều người bị đòn oan. Hiện tượng người đi đường tự cho mình quyền được đánh đập người bị tình nghi phạm tội không chỉ mới xảy ra gần đây. Trên thực tế, bất cứ ai trong chúng ta cũng vài lần chứng kiến các đối tượng trộm cắp, cướp giật bị đánh tơi tả trước khi được bàn giao cơ quan công an.
Phải biết hành xử đúng luật
Nói về hiện tượng này, nhiều ý kiến bạn đọc lo ngại các trò đùa, câu like, câu view, tung tin thất thiệt trên mạng xã hội đã ảnh hưởng quá lớn đến đời sống xã hội hiện nay. "Công nghệ thông tin phát triển mạnh kèm theo vô số thông tin không chính thống, cộng thêm tâm lý đám đông đã dẫn đến những hệ lụy xấu.
Những tin đồn được chia sẻ rộng rãi, những vụ việc tiêu cực không được xử lý đến nơi đến chốn khiến người dân dễ bị kích động và hành động bất chấp hậu quả. Cái đáng lo và nguy hiểm nhất là nếu không có biện pháp ngăn chặn thì xã hội sẽ loạn, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị đòn oan. Chưa kể có những màn hại người, vu oan trên mạng xã hội, mượn tay đám đông để xử đối thủ" - bạn đọc Trần Tuấn Minh lo ngại.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM), người dân phát huy tinh thần cảnh giác, đấu tranh phòng chống tội phạm là tốt. Tuy nhiên, việc một số người tự cho mình quyền được làm thay cơ quan có thẩm quyền, hành hung người khác bất chấp quy định pháp luật không chỉ xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe nạn nhân mà còn là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng; không những không phòng chống được tội phạm mà chính sự thiếu hiểu biết, vội vã đã đẩy họ trở thành tội phạm.
Hai phụ nữ đi bán tăm bông bị đánh hội đồng dã man tại Sóc Sơn - Hà Nội ngày 22-7. (Ảnh cắt từ clip)
Luật sư Đức phân tích về nguyên tắc, mọi công dân có trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm. Bất kỳ người dân nào cũng có quyền bắt giữ đối tượng thực hiện hành vi phạm tội quả tang nhưng ứng xử đúng đắn nhất là bình tĩnh, can ngăn mọi người không đánh đập đối tượng, thu giữ hung khí, lấy lại tài sản, cùng người đi đường trói đối tượng giải ngay đến cơ quan công an, VKSND hoặc UBND nơi gần nhất lập biên bản để chuyển đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Việc người dân bắt giữ người (vì bất kỳ lý do gì) nhưng không dẫn giải đến cơ quan có thẩm quyền mà giữ lại để hành hung, đập phá tài sản, nếu nhẹ thì bị xử lý hành chính, gây hậu quả nghiêm trọng đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hành vi "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật", "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác", "Vu khống" hoặc "Làm nhục người khác". Trường hợp nạn nhân tử vong, có thể bị xem xét về hành vi "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác" hoặc "Giết người".
Một điều cũng cần lưu ý là ngoài việc có thể bị xem xét trách nhiệm hành chính hoặc hình sự, người bắt giữ, đánh, đập, phá tài sản của nạn nhân còn phải chịu trách nhiệm về dân sự, gây thiệt hại thì bồi thường (danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản…). Trường hợp nhiều người xúm vào đánh đập, phá hoại tài sản theo kiểu "hội đồng" thì cùng phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục
"Để chấm dứt tình trạng tự cho mình quyền đánh đối tượng tình nghi phạm tội, người dân cần được trang bị kiến thức pháp luật để từ đó biết hành xử đúng luật và có căn cứ. Trong thực tế xét xử đã từng xảy ra nhiều vụ án mà chỉ vì bức xúc, vội vã "đánh cho đã nư" mà từ phòng chống tội phạm trở thành người phạm tội và phải chịu nhiều chế tài khác" - luật sư Đức lưu ý.
Đứng ở góc độ xã hội học, chuyên gia Lê Thị Thuy Tuyết cho rằng tình trạng người dân hùa theo đám đông đã diễn ra từ lâu, chứ không phải mới. Tuy nhiên, gần đây với sự phát triển mạng xã hội, nhiều thông tin mờ ảo, thật - giả khó nhận diện khiến nhiều người hoang mang, lo lắng, từ đó dẫn đến tâm lý phòng hơn là bị. Đi đường bắt gặp tình nghi là trộm chó, cướp giật… là nhào vào đánh tới tấp cho hả giận và trấn áp đối tượng.
"Xét ở góc độ tích cực, việc người dân đồng lòng bắt đối tượng tình nghi thể hiện tinh thần văn hóa cộng đồng, hỗ trợ nhau bài trừ cái xấu, cái ác. Tuy nhiên, nếu thiếu kiềm chế mà có những hành vi thái quá thì dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Không ai có quyền xâm phạm, tước đoạt tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác, kể cả họ có vi phạm pháp luật, trừ những trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc trong tình thế cấp thiết.
Làm sao để mọi người bớt nóng nảy, vội vàng trong xử lý tình huống tương tự? Câu trả lời là phải thông qua tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức để người dân hiểu đâu là hành vi đúng, hành vi sai mà có cách ứng xử an toàn, văn minh, đúng pháp luật" - bà Tuyết nói.
Theo bà Lê Thị Thuy Tuyết, nội dung tuyên truyền pháp luật phải dễ hiểu, có chiều sâu; lan tỏa thông qua nhiều hình thức: đưa vào trường học, mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng, game show, kịch truyền hình…
Bình luận (0)