Lý do mà Bộ Y tế đưa ra là cắt bớt danh mục thuốc BHYT, đặc biệt là thuốc có chi phí lớn, vì lo ngại sẽ vỡ quỹ BHYT xem ra không thuyết phục. Những năm qua, quỹ BHYT luôn kết dư. Theo con số được công bố chính thức, đến hết năm 2013, nguồn quỹ BHYT còn khoảng 15.000 tỉ đồng. Bản chất của BHYT là chia sẻ rủi ro, nhất là đối với người nghèo để họ có thể tiếp cận với dịch vụ y tế, được khám chữa bệnh. Nên nếu nguồn quỹ này càng được sử dụng triệt để thì tác dụng xã hội của nó càng lớn. Ngược lại, quỹ này càng kết dư thì sẽ có càng nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi bị bệnh. Dư 15.000 tỉ đồng nhưng lại “siết” quyền được hưởng BHYT sẽ đẩy rất nhiều người vào con đường cùng, thậm chí là phải đối diện với cái chết.
Việc vận hành nguồn quỹ BHYT hiện còn rất nhiều vấn đề bất cập: lạm dụng các dịch vụ BHYT, tham ô nguồn quỹ này từ các bệnh viện... Vừa qua, BHXH Việt Nam đã kiểm tra phát hiện nhiều vấn đề tại 14 cơ sở y tế ở TP HCM (7 bệnh viện công, 5 bệnh viện tư nhân và 2 phòng khám đa khoa tư nhân). BHXH TP HCM cũng đã gửi thông báo những cơ sở y tế trên yêu cầu xuất toán, không chấp nhận thanh toán hơn 20 tỉ đồng tiền BHYT. Thế nhưng, khi các cơ sở y tế phản ứng thì BHXH Việt Nam lại lần khân chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Vấn đề này cho thấy việc kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực BHYT hiện nay hết sức nhùng nhằng.
Việc cần làm quyết liệt hiện nay chính là Bộ Y tế và các cơ quan liên quan phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực BHYT để nguồn quỹ này không bị thất thoát. Giữ một đống tiền của người tham gia BHYT nhưng cứ lăm lăm hạn chế quyền lợi của họ thì thật không công bằng.
Bình luận (0)